Sau đó, nhà trai nhờ một người trung gian mà ở đây chính là ông mai hoặc bà mối, người Cơ Tu gọi là Bhrla, đến nhà gái đặt vấn đề. Khi đi, nhà trai sắm cho người Bhrla một con gà làm lễ vật đến xin già làng và nhà gái. “Lúc này, già làng bên gái giết con gà để báo với thần linh và đôi bên làm tiệc, uống rượu mừng, bàn bạc cho những việc tiếp theo”, ông Nghĩa nói.
Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) trò chuyện với phóng viên. |
Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc cho hay, tục ngủ duông giờ đây trong đời sống của người Cơ Tu không còn nữa. Bởi vì nó lạc hậu và tốn kém tiền của và không phù hợp với đời sống hiện đại.
“Trước đây, nếu nhà nào có nhiều con gái thì sau này nhất định nhà đó sẽ giàu. Vì lễ cưới xin của người Cơ Tu chúng tôi rất nghiêm ngặt, phải biện đầy đủ lễ vật. Vì sao tôi nói nhà có nhiều con gái sẽ giàu bởi gia đình nhà gái có quyền thách cưới và đặt ra những món đồ cưới cao sang. Nếu nhà trai muốn cưới thì phải đáp ứng đầy đủ đồ thách cưới bên nhà gái”, ông Nghĩa giải thích.
Ngoài ra, khi tổ chức lễ cưới, nhà trai và nhà gái phải xin phép già làng, khi già chấp thuận sẽ cho ngày tháng cụ thể để tổ chức. Lúc này đám cưới sẽ diễn ra và được tổ chức khá thịnh soạn. Không chỉ trong phạm vi của một gia đình mà cả một làng nơi người con trai, con gái đó đang sinh sống. “Nhiều đôi trai gái rất yêu nhau, muốn nên duyên vợ chồng nhưng vì gia đình nhà trai nghèo khó không thể lo được lễ cưới đành phải ngậm ngùi chia tay”, ông Nghĩa nói tiếp.
Chính vì những lý do đó, cùng với sự phát triển của xã hội và sự tiến bộ trong nhận thức, giờ đây tục ngủ duông của người Cơ Tu đã không còn nữa. Tục ngủ duông giờ đây chỉ còn trong tâm trí của những người lớn tuổi như ông Nghĩa. Dẫu vậy, song nét văn hóa ấy vẫn được lưu truyền trong mỗi câu chuyện của gia đình cũng như lời kể về tập tục người Cơ Tu xưa để thế hệ trẻ được biết.
Nhà gươl của đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh. |
“Tục ngủ duông của người Cơ Tu chúng tôi lúc trước đó là sự hội tụ của những nét đẹp văn hóa đặc sắc. Nó còn bảo lưu nhiều yếu tố truyền thống trong nghi thức đám cưới truyền thống của người Cơ Tu.
Và với yếu tố này, lễ tục vừa phản ánh đặc điểm tộc người, vừa có ý nghĩa giáo dục cộng đồng về hôn nhân được họ giữ gìn trân trọng từ bao đời. Giờ đây tục ngủ duông không còn nữa, nhưng phong tục mang đậm bản sắc của một cộng đồng cư dân miền núi nhiều năm qua vẫn được lưu truyền qua những câu chuyện kể. Chúng tôi kể để con cháu được biết tập tục cha ông xưa và ý thức về cội nguồn của cộng đồng dân tộc Cơ Tu”, ông Nghĩa nhấn mạnh.