Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Khung pháp lý nhất quán để phát triển đội ngũ

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) | 21/11/2022, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đội ngũ nhà giáo chiếm hơn 2/3 tổng số viên chức của cả nước, hoạt động trong lĩnh vực có tính đặc thù cao như vậy rất xứng đáng có một luật riêng.

Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Khung pháp lý nhất quán để phát triển đội ngũ ảnh 3

Đội ngũ nhà giáo đông đảo, chiếm khoảng hơn 2/3 tổng số viên chức của cả nước, hoạt động trong lĩnh vực có tính đặc thù cao như vậy rất xứng đáng có một luật riêng.

Trong Luật Giáo dục hiện hành đã có một chương về nhà giáo bao gồm 4 Mục, 14 Điều nhưng chưa cụ thể, có chỗ nội dung quy định trong Luật nhưng chế tài lại theo quy định dưới Luật, do đó triển khai rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay còn khoảng trống trong việc chế tài nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục công tác ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập (NCL). Nhà giáo là công chức thì áp dụng Luật Cán bộ công chức. Nhà giáo là viên chức thì áp dụng Luật Viên chức. Còn hơn 10% nhà giáo là CBQL, giáo viên của cơ sở giáo dục NCL thì Luật Viên chức không có chế tài.

Trong đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục các cơ sở giáo dục NCL có một số là công chức, viên chức nghỉ công tác ở cơ sở công lập hoặc nghỉ chế độ rồi chuyển sang; có nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm vào công tác, giảng dạy ở cơ sở giáo dục NCL; hoặc có nhiều nhà giáo là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chuyển sang.

Trong số này có một bộ phận cần thiết (bắt buộc phải có) theo yêu cầu của Quy chế tổ chức hoạt động trường NCL là giáo viên cơ hữu. Thế nhưng, Luật Giáo dục hiện hành không có điều nào nói về nhóm này. Điều 71 của Luật Giáo dục có đề cập đến nhà giáo thỉnh giảng, Luật Viên chức thì không chế tài đến.

Vậy, quản lý, đánh giá, tuyển dụng, thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo, CBQL cơ sở giáo dục NCL được áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật nào còn là vấn đề bỏ trống.

Ngoài ra, xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục có chất lượng còn phụ thuộc vào yếu tố tổ chức, đơn vị được quyền tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ. Theo quy định của Luật Viên chức và phân cấp, Luật Tổ chức UBND và HĐND các cấp hiện hành, ngoài những đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu thực hiện tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình thì các đơn vị khác chưa được giao quyền tự chủ.

Cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng.

Một thực tế là hầu hết cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS ở các địa phương chưa được giao quyền tự chủ và cũng chưa được phân cấp cho người đứng đầu đơn vị thực hiện tuyển dụng, mà UBND cấp huyện hoặc Phòng Nội vụ ở huyện tổ chức tuyển dụng.

Sự thực này tạo ra một nghịch lý, người trực tiếp sử dụng, bố trí việc, am hiểu tình hình chất lượng, thiếu, thừa của đội ngũ nhà giáo của mình thì không được quyền tuyển dụng. Ngay cả cơ quan quản lý giáo dục cấp trên của cơ sở giáo dục đó (phòng GD&ĐT cấp huyện) cũng không được quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ sở giáo dục do mình quản lý trực tiếp.

Còn cơ quan, tổ chức không trực tiếp quản lý chuyên môn, nghiệp vụ nhà giáo thì làm công việc tuyển dụng. Điều này đã dẫn đến một thực tế tồn tại lâu nay, tình trạng thiếu, thừa nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập lâu dài, khó khắc phục. Nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu có nguyên nhân từ công tác tuyển dụng.

Việc đánh giá, phân loại nhà giáo và CBQL giáo dục hằng năm cũng có những đặc thù riêng biệt, không thể áp dụng như đánh giá công chức, viên chức hằng năm của Luật Viên chức. Hoạt động giáo dục và giáo dưỡng của các cơ sở giáo dục hoạt động theo năm học.

Học kỳ I là của năm trước, kết thúc học kỳ II thuộc về năm sau. Hoàn thành công việc, vị trí việc làm là phải dựa vào kết quả thực hiện cả hai học kỳ. Vì vậy, không thể áp dụng đánh giá phân loại nhà giáo theo năm dương lịch như đánh giá viên chức, công chức khác.

Nhu cầu viên chức công tác ở các trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục công lập thuộc vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là khá lớn. Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục cần thiết phải có quy định, chế tài riêng phù hợp, không thể áp dụng chung như quy định ở Luật Viên chức.

Sắp tới, Luật Viên chức cũng được xem xét, sửa đổi, bổ sung. Đây là dịp tốt để ngành Giáo dục kết hợp với Bộ Nội vụ đánh giá lại, điều chỉnh và đưa vào Luật Nhà giáo cho phù hợp.

Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Khung pháp lý nhất quán để phát triển đội ngũ ảnh 4

Các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo tuy có nhiều nhưng tản mạn, có điểm chung chung, hiệu lực chưa cao, chưa tiên liệu những quan hệ mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay… Từ đó đòi hỏi việc bổ sung, pháp điển hóa để hoàn thiện hệ thống các quy định về nhà giáo nói riêng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết để khẳng định vị trí,

vai trò của đội ngũ trong mối quan hệ với các chủ thể khác. Với việc ban hành Luật, nhà giáo được xác định đúng vị trí đích thực - đó là đội ngũ có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh - như được ghi trong Luật Giáo dục.

Bên cạnh vị trí, vai trò nhà giáo, Luật ban hành sẽ xác định được trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo…

Ông Nguyễn Triều Dương, Phó Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Luật Hà Nội.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-dung-va-su-dung-giao-vien-khung-phap-ly-nhat-quan-de-phat-trien-doi-ngu-post615618.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-dung-va-su-dung-giao-vien-khung-phap-ly-nhat-quan-de-phat-trien-doi-ngu-post615618.html
Bài liên quan
Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án đường sắt tốc độ cao
Nội dung mở đầu của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển dụng và sử dụng giáo viên: Khung pháp lý nhất quán để phát triển đội ngũ