Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục, dạy học phát triển năng lực học sinh, các địa phương, nhà trường cần làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên này.
Về cơ bản, giáo viên người dân tộc đã đạt chuẩn đào tạo theo cấp học, có tri thức, kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình và dân tộc khác. Đặc thù, ưu thế này giúp họ rất nhiều trong chuyên môn và quá trình dạy học, đặc biệt với học sinh dân tộc.
Song nhìn vào thực tế cho thấy, trình độ đào tạo ban đầu của đội ngũ giáo viên người dân tộc với phương thức tuyển sinh sư phạm khác nhau nên kết quả đầu ra thiếu tương đồng về chất lượng.
Theo TS Trần Thị Yến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giáo dục dân tộc ở Việt Nam những năm 80 ‐ 90 của thế kỷ trước, để đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên toàn quốc, vùng dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều hình thức đào tạo cấp tốc như Hệ 5+3 tháng; 9+3 tháng; 12+6 tháng…
Việc đào tạo ban đầu theo hình thức này với giáo viên người dân tộc thiểu số đáp ứng được yêu cầu ở những thời điểm nhất định. Nhưng để đổi mới giáo dục, triển khai Chương trình GDPT 2018, đội ngũ giáo viên này sẽ gặp không ít khó khăn để hoàn thành sứ mệnh, nếu không được bồi dưỡng.
Theo thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), vùng dân tộc thiểu số, miền núi có địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bất thường. Đặc biệt, bà con sống thưa thớt, xa trung tâm khiến các lớp học ở điểm lẻ khá xa so với điểm trường chính và trung tâm huyện/thành phố.
Như vậy, giáo viên người dân tộc đảm trách lớp học điểm lẻ gặp không ít rào cản, trong việc nâng cao chuyên môn nghề nghiệp.
“Nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ, yêu cầu chuẩn hóa được ngành Giáo dục quan tâm nhưng vẫn khó đạt được sự tương ứng giữa chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp...”, thầy Tùng bày tỏ.
Cũng theo nhiều cán bộ quản lý, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước dù đã tạo cơ hội, điều kiện để phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc song chênh lệch về kiến thức và năng lực đầu vào (đào tạo) và đầu ra (sau đào tạo) của giáo viên dân tộc vẫn tồn tại.
Thầy giáo Trường PTDTBT Tiểu học & THCS xã Mồ Dề (Mù Cang Chải, Yên Bái) hướng dẫn học trò làm bài. Ảnh: Đức Trí |
“Giáo viên người dân tộc mới ra trường còn hạn chế chuyên môn nên có thể bồi dưỡng qua kèm cặp, rèn nghề. Ban giám hiệu cùng tổ/khối chuyên môn cần phân công giáo viên cốt cán trực tiếp hướng dẫn từ soạn bài đến việc lên lớp…”, TS Trần Thị Yến lưu ý.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang), tỷ lệ giáo viên người dân tộc chiếm tới 85% nhân sự toàn trường. Thầy Hiệu trưởng Dương Văn Đông nhận xét, chất lượng đội ngũ giáo viên còn hạn chế nhất định. Công tác bồi dưỡng thường xuyên được nhà trường xem như giải pháp then chốt nâng chất đội ngũ.
Bên cạnh các lớp bồi dưỡng của địa phương nhằm nâng cao trình độ giáo viên, hoàn thiện văn bằng chứng chỉ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục thì nhà trường tăng cường tổ chức hội thảo chuyên môn theo từng tuần, tháng.
Qua hội thảo, giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi chuyên môn sẽ giúp đồng nghiệp vững vàng hơn trong công việc về hồ sơ, sổ sách, kiểm tra đánh giá... Giáo viên cốt cán cũng dạy mẫu một số tiết theo Chương trình GDPT mới để đồng nghiệp học tập, rút kinh nghiệm; tăng cường trao đổi các vấn đề chuyên môn cần tháo gỡ.
Đặc biệt, trường đã đưa chuyên đề “Giải bài toán có lời văn” để thảo luận và triển khai. Dưới sự hướng dẫn của tổ chuyên môn, giáo viên được nâng cao kỹ năng truyền tải hiệu quả tới học sinh.
Với đồng loạt giải pháp để nâng “chất” đội ngũ giáo viên người dân tộc, thầy Đông khẳng định, hiện đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới. “Nâng “chất” giáo viên đòi hỏi làm tốt công tác bồi dưỡng, phải thường xuyên, bám sát thực tế dạy học chứ không thể chỉ chú trọng “bằng cấp”…”, thầy Đông khẳng định.
Đội ngũ giáo viên người dân tộc chiếm hơn 70% số giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai), trong đó, 50% đã đạt trình độ đại học. Song thầy Hiệu trưởng Phùng Thế Tùng vẫn cho rằng đội ngũ này cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu dạy học trong bối cảnh hiện nay.
Thầy Tùng cho biết, trước mắt, trường xây dựng cơ chế để giáo viên người dân tộc tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao và đạt chuẩn. Cùng đó, đội ngũ giáo viên cốt cán tăng cường tập huấn tại trường và nhà trường cử giáo viên thăm quan học hỏi các mô hình giáo dục điển hình để được tiếp cận cái mới, va chạm thực tế...
Mặt khác, trường ưu tiên, tăng cường kiểm tra, tư vấn hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên dân tộc. Đặc biệt, trường mở nhiều chuyên đề chuyên môn kết nối, trao đổi cùng các đơn vị trường học khác (trong và ngoài địa phương) có bề dày kinh nghiệm, thành tích… Hoạt động này sẽ giúp giáo viên người dân tộc nâng cao kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, học hỏi kinh nghiệm xử lý tình huống chuyên môn từ đồng nghiệp giỏi…
Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đang phát huy vai trò tổ chuyên môn trong củng cố kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên người dân tộc. Cụ thể, hằng tuần, tháng đều tổ chức hội thảo, phân công giáo viên giảng mẫu có áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Như vậy, giáo viên chuyên môn tốt sẽ làm mẫu cho giáo viên chưa thành thạo cùng học hỏi; Giáo viên chưa vững có cơ hội xử lý tình huống thực tế, nâng cao nghiệp vụ…
Đối với các điểm lẻ chưa có điều kiện dạy học kết nối, trường khuyến khích giáo viên kết nối chuyên môn giữa các lớp ở cùng điểm trường. Bởi làm chắc chuyên môn từ cơ sở, khi tiếp cận với môi trường phát triển hơn giáo viên sẽ tự tin hòa nhập.
Để nâng “chất” đội ngũ giáo viên dân tộc dưới góc nhìn, nghiên cứu của TS Trần Thị Yến (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), trước hết cần căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp để đào tạo phù hợp, tương xứng.
Mặt khác, các trường sư phạm cần nghiên cứu đưa vào nội dung, chương trình đào tạo những vấn đề đặc thù như: Dạy học trong môi trường đa văn hóa; tiếng dân tộc; chuyên đề phương pháp dạy học cho học sinh dân tộc…
Người làm công tác đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý người dân tộc cũng cần được đào tạo và trợ giúp cách tiếp cận với nội dung giáo dục đặc thù. Phương pháp, hình thức đào tạo cần gắn với các nhà trường và tăng tính thực hành…