Liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường, ThS Đỗ Đình Đảo – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh) – nhận thấy: Trong vài năm gần đây, xu hướng chọn ngành, trường của học sinh có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có 2 yếu tố mấu chốt vẫn được phụ huynh và học sinh quan tâm là: Chọn đúng ngành nghề, đúng trường để không bị thất nghiệp và chọn ngành nghề đúng sở trường, ước mơ, đam mê của mình.
Từ trải nghiệm và quan sát thực tế, thầy Đảo đưa ra một số tiêu chí để thí sinh có thể tham khảo khi chọn ngành, chọn trường. Theo đó, thí sinh nên lựa chọn trường đại học mà có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích. Điều này giúp các em thêm động lực học tập, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc. Ngoài ra, các em nên chọn trường có chất lượng đào tạo tốt để có nền tảng kiến thức vững vàng, những kỹ năng mềm và quá trình trải nghiệm tuyệt vời.
Khi chọn trường, thí sinh cũng nên quan tâm đến cơ sở vật chất. Bởi nếu một trường đại học được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, hiện đại với hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, mô phỏng đạt chuẩn sẽ giúp các bạn tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng, trực quan hơn. Đặc biệt, cần lưu ý đến các trường có hoạt động phong trào sôi nổi, đa dạng; bởi đây là điều kiện cần thiết để phát triển kỹ năng cho sinh viên. Không chỉ khiến việc học tập bớt “khô khan”, hoạt động ngoại khóa là cách để các em giải trí, gặp gỡ thêm bạn bè, phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm...
“Có một điểm tôi muốn đặc biệt lưu ý thí sinh, không nên chọn trường theo tiêu chí “ngành hot”, “trường sang”. Càng không nên chọn ngành học theo phong trào hoặc vì đó là ngành mới…. Hãy chọn ngành, trường học phù hợp nhất và đúng với năng lực của các em” – thầy Đảo khuyến nghị.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định TPHCM – nhìn nhận: Xu hướng chọn ngành nghề có nhiều thay đổi và ảnh hưởng bởi các luồng thông tin như: Tư vấn trực tiếp từ các trường, thông tin trên phương tiện truyền thông, thông tin dự báo về ngành nghề, năng lực lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực thì cũng có những điều chưa chính xác.
“Vì thế, yếu tố quan trọng nhất là nhận định được thị trường trong tương lai. Học xong để có việc làm thì ai cũng mong muốn nhưng nếu chọn nghề A mà làm nghề B thì rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người lao động” - TS Mai Đức Toàn trao đổi, đồng thời cho rằng: Ngoài yếu tố thị trường thì định hướng nghề nghiệp rất quan trọng.
Hiện nay, các nhà trường phổ thông đều định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10. Để chọn nghề đúng cần xác định được mong muốn sẽ trở thành ai, làm gì trong thời gian tới. “Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, dù các trường có định hướng nghề nghiệp tốt đến đâu nhưng người cuối cùng quyết định học nghề nào, học như thế nào chính là các em” - TS Mai Đức Toàn nhấn mạnh.