Tuy nhiên, sau khi trải qua năm nhất, những sinh viên trúng tuyển bằng học bạ lại có điểm trung bình học tập khá thấp. Những sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác có kết quả học khá tốt, mức độ chênh lệnh giữa điểm thi ĐH và năng lực học không quá lớn.
Từ thực tế tuyển sinh và giảng dạy, đại diện Trường ĐH Nha Trang nhận thấy, kết quả học bạ bậc THPT, nhất là kết quả lớp 12, có mức độ tin cậy không cao và không đồng đều giữa các địa phương. Do đó, việc bỏ xét tuyển học bạ là đúng đắn.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam ủng hộ việc bỏ xét tuyển học bạ trong tuyển sinh ĐH và cho rằng, trường ĐH sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng “mua điểm” ở bậc THPT. Điều này dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
Ông Khuyến khẳng định, hiện chất lượng các cơ sở giáo dục chưa đồng đều, nên việc cho điểm kiểm tra, đánh giá ở mỗi cơ sở khác nhau. Nên nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển ĐH sẽ không công bằng với học sinh. Theo ông Khuyến, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác.
Thước đo khác nhau
Mùa tuyển sinh năm 2023, số trường sử dụng phương thức xét học bạ rất lớn. Mặt bằng điểm trúng tuyển bằng học bạ của các trường đều cao ngất ngưởng và có sự chênh lệch đáng kể so với điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ví dụ, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng điểm chuẩn các ngành không thuộc khối Y dược, sức khỏe chỉ 15-17 điểm. Nhưng điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ là 18 điểm, vênh nhiều nhất 3 điểm và ít nhất 1 điểm so với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Điểm chuẩn học bạ của Trường ĐH Phương Đông năm 2023 là 20 - 25/30 điểm nhưng điểm chuẩn xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 15-24 điểm. Thực tế này đặt ra rất nhiều băn khoăn đối với điểm số thực sự trong cuốn học bạ của mỗi học sinh.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT, cho rằng về lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh, kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó, theo kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD&ĐT tiến hành những năm gần đây có độ vênh tại nhiều địa phương. Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các thước đo khác nhau. Và nếu nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào ĐH là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.
Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển ĐH hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
Nhiều trường ĐH bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét điểm các kì thi riêng. Năm 2024 Học viện Kỹ thuật Quân sự, lần đầu tiên dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia. Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kì thi đánh giá năng lực do khối các trường ĐH Sư phạm tổ chức trong năm 2024 từ 20% (2023) lên 40%. |