Tuyển sinh lớp 10: "Đường đua" bắt đầu sôi động

Nam Anh | 14/04/2022, 12:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở TPHCM, hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% trong số hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm. Thế nên, cuộc cạnh tranh vào các trường công luôn sôi động, quyết liệt.

Hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm. Ảnh: Nam SơnHệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm. Ảnh: Nam Sơn

Cạnh tranh quyết liệt

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại TPHCM được tổ chức vào ngày 11 và 12/6, với số môn giữ nguyên như mọi năm (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Đối với lớp 10 chuyên, học sinh đăng ký thêm môn thứ 4 là môn chuyên. Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn và môn Toán là 120 phút/môn, môn Ngoại ngữ là 90 phút.

Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm 3 bài thi (đều tính hệ số 1) và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ 3 bài và không có bài nào bị điểm 0.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay, số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 ở thành phố là hơn 100.000 học sinh. Trong khi đó, các trường THPT công lập chỉ tuyển sinh vào lớp 10 khoảng 70% chỉ tiêu trong số này. Điều này dẫn đến việc học sinh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để có một suất học lớp 10 các trường công lập.

Một số lãnh đạo của các trường THPT đóng trên địa bàn TPHCM cho biết, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh không tăng so với năm học trước. Thậm chí, một số trường còn giảm chỉ tiêu, để dành phòng học làm các phòng chức năng.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 cho hay: Năm học này, Trường THPT Nguyễn Du báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh từ 540 lên 560 học sinh, tương đương 17 lớp. Thầy Phú lý giải, do năm nay, Trường THPT Nguyễn Du theo mô hình tiên tiến về sĩ số học sinh ở mỗi lớp, tăng từ 30 lên 35 học sinh, nên chỉ tiêu tuyển sinh của trường có tăng nhẹ.

Còn theo thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, chỉ tiêu lớp 10 năm nay của trường là 675 em, tương đương 15 lớp, giảm 1 lớp so với năm học trước. “Nhà trường đã tính toán và báo cáo dự kiến tuyển sinh về Sở GD&ĐT TPHCM trên cơ sở cân nhắc thực trạng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên”, thầy Hải chia sẻ.

Trong những năm gần đây, những trường có điểm chuẩn cao vẫn là cái tên quen thuộc như: Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), Gia Định (quận Bình Thạnh), Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn (Quận 3), Trần Phú (quận Tân Phú).

Năm ngoái, điểm chuẩn của các trường tốp 10 dao động từ 24,4 - 26,3. Muốn trúng tuyển vào nhóm này, học sinh phải có điểm trung bình lớp 9 mỗi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ từ 8,2 trở lên. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất nhiều năm liền, với tỷ lệ chọi cũng ở mức cao nhất: 1 chọi 3 hoặc 4.

Phụ huynh đón học sinh trước cổng Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh. Ảnh: Nam Sơn

Nhiều hướng mở

Việc học sinh phải cạnh tranh quyết liệt để có một suất học lớp 10 các trường công lập là một thực tế. Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ học tập và hiệu quả tiếp thu kiến thức của học sinh. “Đường đua” vào lớp 10 đã khó nay lại càng khó hơn. Phụ huynh cần chuẩn bị kỹ về tâm lý và tâm thế để giúp các em vượt qua những áp lực chuyển cấp.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên tạo quá nhiều áp lực cho các em trong vấn đề thi cử, vì còn nhiều hướng mở sau giai đoạn THCS. Nếu không học ở các trường công, học sinh vẫn có thể đăng ký vào lớp 10 phổ thông ở hệ thống các trường tư, trường quốc tế, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Theo thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, các bậc cha mẹ học sinh không nên tạo một áp lực “buộc phải đỗ THPT công lập” tới học sinh. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên phối kết hợp với nhà trường trong việc phân tích về năng lực của con mình để có lựa chọn phù hợp.

Các gia đình nên có phương án để con học THPT ở các trường ngoài công lập. Hiện nay, hệ thống trường THPT ngoài công lập ở TPHCM ngày càng phát triển, đáp ứng được việc tạo nền tảng để học sinh có nhiều hoạt động, học tập rèn luyện tạo bước đệm lập thân lập nghiệp sau THPT.

Song song với đó, việc phân luồng để học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học các trường nghề ngay từ lớp 10 cũng là một hướng đi phù hợp. Nếu như học sinh không tự tin với học lực của mình, hoặc gia đình của học sinh gặp khó khăn về kinh tế, các em có thể theo học hệ trung cấp với những ưu đãi về học phí, thậm chí miễn phí mà lại có cơ hội ra đời sớm, tự chủ về tài chính.

Theo bà Bùi Hồng Dung, Phó Trưởng phòng Quản lý Cơ sở Giáo dục ngoài công lập (Sở GD&ĐT TPHCM), thành phố hiện có khoảng gần 100 trường THPT ngoài công lập. Nếu không đỗ lớp 10 công lập, học sinh có thể lựa chọn các trường THPT ngoài công lập, hệ thống GDTX, giáo dục nghề nghiệp, hệ trung cấp chuyên nghiệp trong trường cao đẳng. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT ngoài công lập, trung tâm GDTX, hệ trung cấp trong các trường cao đẳng trực thuộc trên địa bàn TPHCM vào khoảng hơn 45.500 chỉ tiêu. Sở GD&ĐT TPHCM đã đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập điều chỉnh mức học phí và các khoản thu khác trong năm học 2022 - 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế, để không để một học sinh nào nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh lớp 10: "Đường đua" bắt đầu sôi động