Trúng tuyển vào lớp 10, nếu không tìm hiểu từ sớm, học sinh dễ rơi vào “ma trận” lựa chọn tổ hợp môn học; chọn sai có thể ảnh hưởng định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Khác với chương trình hiện hành, học sinh học tất cả các môn học và chỉ chọn môn thi để lấy điểm xét tuyển vào ĐH thì ở chương trình mới, học sinh sẽ học 8 môn bắt buộc và chọn nhóm tổ hợp các môn học theo năng lực, định hướng nghề nghiệp. Theo đó, 8 môn bắt buộc học sinh nào cũng phải học gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, tuỳ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xây dựng các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.
Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) ngày 5/7 tư vấn cho phụ huynh chọn tổ hợp môn học. Ảnh: Trọng Tài
Nhiều phụ huynh cho rằng, 4 năm THCS, thầy trò dồn phần lớn thời gian cho các môn thi, do đó vừa không tập trung cho các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý nên khó có nền tảng kiến thức chuyên sâu để yêu thích, đam mê. Thứ hai, học sinh ở tuổi 15 vẫn khá non nớt để nhận thức về những nghề nghiệp trong tương lai, nhận thức về năng lực, sở thích, thế mạnh của bản thân, từ đó có sự lựa chọn đúng. Do đó, điều lo ngại nhất là khi lựa chọn tổ hợp môn hay định hướng nghề nghiệp sớm phụ thuộc nhiều vào lựa chọn của phụ huynh, thay vì học sinh.
Hiệu trưởng các trường THPT nói rằng, vấn đề vướng nhất khi thực hiện chương trình mới là các trường xây dựng tổ hợp môn khác nhau nên học sinh gặp khó khi chuyển trường. Sau một thời gian học tập, vì một lí do nào đó phải chuyển trường, học sinh sẽ phải tìm được trường có tổ hợp môn đúng như tổ hợp môn học ở trường đang học mới chuyển được.
Chị Nguyễn Thuỳ Minh, có con trúng tuyển lớp 10 Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết trường có rất nhiều tổ hợp nên khá thuận lợi khi chọn nhóm các môn Vật lý, Sinh học, Địa lí, Mỹ thuật. Trong tương lai, gia đình định hướng con sẽ xét tổ hợp Toán - Vật lý - Ngoại ngữ để tuyển sinh ĐH. Với lựa chọn tổ hợp như trên, có môn Sinh học là môn khó nhằn, tuy nhiên nhóm này còn thuận lợi hơn các nhóm có thêm môn Hoá học vốn không phải thế mạnh của con.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hoá học tại Hà Nội, cho rằng ở chương trình mới, bậc THPT được phân định rõ là bậc học định hướng nghề nghiệp, do đó các em phải nghiêm túc nghiên cứu và lựa chọn làm sao hạn chế sai sót, vì sửa sẽ rất khó.
Hạn chế sai ngay từ lớp 10
Năm học tới, Trường THPT Kim Liên, (quận Đống Đa, Hà Nội) xây dựng phương án mô hình lớp học gồm lớp đại trà và lớp liên kết Tiếng Anh IELTS để học sinh, phụ huynh lựa chọn, trong đó có các nhóm môn học, chuyên đề học tập cho học sinh lựa chọn. Ở mô hình lớp đại trà, ngoài 8 môn bắt buộc, trường xây dựng thành 4 tổ hợp gồm: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ (1); Hoá học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế - pháp luật, Tin học (2); Vật lý, Hoá học, Địa lý, Tin học (3); Vật lý, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc (4). Mỗi tổ hợp có chuyên đề học tập các môn đi kèm tương ứng.
Trong khi đó, Trường THPT Yên Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xây dựng thành 5 mô hình các môn học tự chọn, trong đó tổ hợp Khoa học tự nhiên 7 lớp và tổ hợp Khoa học xã hội 8 lớp. Trường tổ chức một buổi tư vấn cho cha mẹ học sinh trước khi đăng ký các nhóm môn học. Tương tự, Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa hướng dẫn chọn tổ hợp môn học, đồng thời xây dựng các nhóm môn phù hợp để học sinh, phụ huynh nghiên cứu trước khi nhập học. Ngày 5/7, trường tổ chức một buổi tư vấn cho phụ huynh có con trúng tuyển vào trường để hiểu về mô hình giảng dạy cũng như cách thức lựa chọn tổ hợp môn học.
Ông Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nói rằng dù là năm thứ 3 thực hiện chương trình mới nhưng trước khi nhập học, nhà trường vẫn phải tư vấn để phụ huynh hiểu rõ trước khi lựa chọn các môn học tổ hợp. Khi tư vấn, giáo viên trao đổi với phụ huynh, căn cứ năng lực của con cũng như định hướng ngành nghề trong tương lai phù hợp với nhóm môn học nào để có sự lựa chọn trúng nhất. “Nhiều phụ huynh đã hiểu được, với chương trình mới, học sinh sẽ thi tốt nghiệp với 4 môn và các ngành nghề nào sẽ phải học môn gì phù hợp”, ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, quy định của Bộ GD&ĐT cho phép học sinh nếu chọn sai có thể đổi tổ hợp môn nhưng việc đó chỉ được thực hiện khi hết chương trình học lớp 10. Trên thực tế, việc này khó khăn cho học sinh bởi sau 1 năm học, nếu muốn chuyển sang tổ hợp khác, lớp học khác, các em sẽ phải tự bổ trợ kiến thức để vượt qua bài kiểm tra của nhà trường. Về việc này, trong chương trình tư vấn từ khi vào lớp 10, phụ huynh được nghe để hiểu rõ, đồng thời nhà trường cũng cho các em khoảng thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng đầu năm học có thể thay đổi nguyện vọng một lần nữa.