Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp khó vẫn bó khôn

Đức Trí | 16/07/2022, 06:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với ưu điểm vượt trội, tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến được nhiều địa phương đẩy mạnh triển khai. Song ở những nơi điều kiện cơ sở vật chất, dân trí… còn khó khăn vẫn đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm không chỉ của ngành Giáo dục, mà cả các bên liên quan và người dân.

Nơi hào hứng

Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 7 Hà Nội áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến đầu cấp từ mầm non, tiểu học, THCS bên cạnh duy trì nhận hồ sơ trực tiếp tại các trường để phụ huynh tùy điều kiện lựa chọn. Cô Trịnh Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy - Hà Nội), cho biết: 2 năm trở lại đây, số phụ huynh đến trường đề nghị hỗ trợ đăng ký trực tiếp giảm hẳn. Có năm chỉ từ 3 đến 5 phụ huynh.

Bước sang năm thứ 3 ngành Giáo dục quận Hà Đông triển khai tuyển sinh trực tuyến. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), bà Phạm Thị Lệ Hằng, cũng cho hay: Năm nay tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến đạt khá cao: Mầm non đạt 85%, tiểu học trên 73%, THCS trên 76%.

Theo bà Hằng, có kết quả trên, các đơn vị đã thực hiện cấp mã số chuẩn, cùng đó làm tốt công tác tuyên truyền vận động phụ huynh đăng ký trực tuyến để giảm tối đa tập trung đông người. Mặt khác, quận cũng yêu cầu nhà trường làm tốt công tác hướng dẫn đăng ký trực tuyến để phụ huynh làm quen và thành thạo. Những phụ huynh gặp khó khăn với hình thức này sẽ được nhà trường gửi hướng dẫn đến tận nhà…

Với một số phụ huynh lớn tuổi, không thích ứng kịp với hình thức tuyển sinh trực tuyến, nhà trường vẫn nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp để tạo điều kiện cho người dân đăng ký tuyển sinh.

Theo ông Minh, thời gian tới ngành Giáo dục thành phố Lào Cai tiếp tục mở rộng tuyển sinh trực tuyến tới một số xã thuận lợi. Kết nối phần mềm tuyển sinh trực tuyến với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, sử dụng mã số định danh công dân để đảm bảo độ chính xác…

Năm học 2022 - 2023 thành phố Lào Cai (Lào Cai) tiếp tục áp dụng tuyển sinh trực tuyến đầu cấp và đạt kết quả khả quan với 100% trường của thành phố thực hiện. Ông Bùi Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai, chia sẻ kinh nghiệm để đạt được thành công này trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức: Ngành Giáo dục quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, học sinh; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh đầu cấp.

Mặt khác, ngành đã lựa chọn được phần mềm đảm bảo các yêu cầu đặt ra, dễ sử dụng. Ngành Giáo dục và các trường cũng tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ phụ trách; xây dựng các video hướng dẫn, tài liệu hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh, học sinh.

Không những thế, từng trường còn thành lập tổ hỗ trợ nhân dân (hướng dẫn, làm giúp những phụ huynh không có điều kiện hoặc không có kỹ năng). Đặc biệt đã chuẩn hóa thông tin trong phần mềm cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT và sử dụng các thông tin đó để tạo dữ liệu tuyển sinh khi cấp mã cho học sinh...

Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp khó vẫn bó khôn ảnh 1
Phụ huynh thành phố Lào Cai đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai cung cấp

Chỗ khó khăn

Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đến nay được nhiều địa phương triển khai hiệu quả nhưng ở nơi chưa tháo gỡ được khó khăn lại là vấn đề không dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) Yên Bái, trao đổi: Chưa trường học nào ở thành phố, huyện… của tỉnh Yên Bái triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp. Trước mùa tuyển sinh năm nay, Sở TT&TT đã đề cập, phối hợp cùng Sở GD&ĐT triển khai nhưng thời điểm chậm hơn với lịch tuyển sinh thực tế nên vấn đề được “gác” lại vào mùa tuyển sinh năm sau và sẽ triển khai thí điểm ở trường có điều thuận lợi.

Bà Hằng cho rằng, triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp tại tỉnh Yên Bái có những điều kiện thuận lợi như nền tảng công nghệ, mạng Internet được phủ cơ bản ở thành phố, các huyện, thị xã. Mặt khác, các đơn vị liên quan như Sở TT&TT, Sở GD&ĐT có sự phối hợp tốt và quyết tâm thực hiện. Về phía nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên đã tiếp cận và thành thạo với công nghệ số…

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn từ phía người dân khi điều kiện cơ sở vật chất cũng như sự tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế. Quá trình triển khai cần có thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ lưỡng mới có thể thực hiện các thao tác đơn giản, cơ bản (chụp ảnh, scan hồ sơ…) trong quá trình đăng ký trực tuyến.

“Năm tới, nếu triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp thì muộn nhất đầu học kỳ II, các ngành, nhà trường phải bắt tay thực hiện. Đặc biệt khâu tuyên truyền, hướng dẫn cần hết sức kỹ càng để người dân hiểu và thực hiện thành thạo. Tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đối với các địa phương, vùng không thuận lợi đòi hỏi nỗ lực, vượt khó lớn…”, bà Hằng nhìn nhận.

Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên), cũng đánh giá cao ưu điểm của tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, song đến nay, các trường trong huyện vẫn thực hiện trực tiếp và chờ chủ trương, hướng dẫn từ phòng GD&ĐT huyện.

Nhìn nhận quá trình triển khai, cô Thanh cho rằng khó khăn hơn cả về phía phụ huynh bởi còn nhiều gia đình ở vùng sâu (sóng điện thoại, mạng Internet hạn chế). Với phụ huynh ở gần có tâm lý đến trường đăng ký trực tiếp cho chắc chắn, chưa yên tâm hoặc ngại tiếp cận với công nghệ. Về phía đội ngũ nhân viên, giáo viên nhà trường để triển khai tuyển sinh trực tuyến không lo ngại bởi sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tiếp cận và làm việc thành thạo trên máy tính, chuyển đổi số…

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà (Lào Cai), cho biết: Thời điểm này mới 2 trường (1 tiểu học, 1 THCS) tại thị trấn Bắc Hà tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, các trường còn lại của huyện vẫn tuyển sinh trực tiếp. Mặc dù cần thiết và đánh giá cao ưu thế của tuyển sinh trực tuyến, song vướng mắc lớn để triển khai toàn huyện vẫn là cơ sở hạ tầng, sóng và mạng Internet nhiều nơi vẫn “trắng”. Khắc phục được vấn đề này thì các gia đình có thể thực hiện ngay bởi hầu hết đã có điện thoại thông minh và nhận thức tiến bộ.

Bài liên quan
Cần thêm đối tượng tuyển sinh ở xã biên giới với trường dân tộc nội trú
Góp ý Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường Phổ thông dân tộc nội trú, giáo viên Trường THCS&THPT nội trú Hà Tĩnh cho rằng cần thêm học sinh vùng biên giới và tăng tỷ lệ đối tượng tuyển sinh khác trong tường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp khó vẫn bó khôn