Theo TS Võ Thanh Hải, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển (khoảng 20 phương thức) cũng khiến các trường gặp một số khó khăn nhất định trong tuyển sinh, trong đó có tỷ lệ thí sinh ảo. Thực tế cho thấy, 3 năm gần đây, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm đa số. Do đó, trong năm tới cần loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả.
Với góc nhìn khác, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) băn khoăn, tỷ lệ thí sinh ảo có thể xuất hiện ở các phương thức xét tuyển sớm. Bởi trước đó, cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm trúng tuyển có điều kiện nhưng thí sinh có thể từ chối trúng tuyển ở nguyện vọng này. Đây là bài toán khó cho nhà trường khi xác định chính xác số lượng người xác nhận nhập học. Do đó, các trường cần tính toán, dự đoán tình huống, kịch bản để giảm tỷ lệ thí sinh ảo ở phương thức xét tuyển sớm.
Cho rằng, tình trạng thí sinh ảo luôn là nỗi lo của nhiều cơ sở giáo dục đại học, TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh băn khoăn, thí sinh có thể trúng tuyển có điều kiện vào nhiều trường khác nhau theo hình thức xét tuyển sớm cũng có thể dẫn đến tỷ lệ ảo cho các trường. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác dự báo, đơn vị có thể tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu.
Tuy nhiên, hiện Bộ GD&ĐT thực hiện lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển, chắc chắn tỷ lệ thí sinh ảo sẽ giảm nên không quá quan ngại. Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh có tham gia nhóm lọc ảo phía Nam do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì. Vì thế, tỷ lệ ảo thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc gọi thí sinh nhập học.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm 2022 có hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Số thí sinh trúng tuyển chính thức sau đợt 1 xấp xỉ 567.000, đạt tỷ lệ 91,4%. Có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống, chiếm 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển.
Các năm trước, Hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT nên lượng thí sinh ảo rất lớn do các em còn chọn phương thức khác mà Hệ thống không kiểm soát được. Điều này kéo theo tỷ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
Từ kết quả trên, năm 2023 Bộ GD&ĐT tiếp tục có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện Hệ thống nhằm phục vụ công tác tuyển sinh. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến với tất cả thí sinh.
Thí sinh cần ghi nhớ một số điều khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7.