Ở Trường Tiểu học Lê Lai (TP Pleiku) lâu nay lớp học sáng đèn buổi tối. 100% bà con đến lớp đều thuộc dân tộc thiểu số Jrai, học viên nhỏ nhất gần 25 tuổi, lớn ngoài 64 tuổi. Chị H’Then (xã Chư Á) chia sẻ: “Trước kia không biết chữ nên mình chẳng thể tự đọc, viết. Giờ sau mấy tháng học mình có thể đọc sách báo, chữ chạy trên tivi. Tuy học còn chậm nhưng vẫn thấy vui vì có thể thể tự viết tên, tuổi và tính toán đơn giản. Mình sẽ cố gắng học để sau này làm ăn, phát triển kinh tế”.
Thầy Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ. Theo đó, học viên là người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 15 - 60. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động đến nay lớp xóa mù chữ đã có 23 học viên. Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường bố trí phòng học đầy đủ cơ sở vật chất. Bên cạnh đó phân công giáo viên đứng lớp phù hợp từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Gia Lai), đánh giá việc triển khai thực hiện xóa mù chữ đã giúp bà con DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng cao trình độ dân trí. Từ đó hướng đến thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chương trình đã triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian tới chương trình sẽ được triển khai đại trà trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả xóa mù chữ, tỉnh Gia Lai hướng đến năm 2025 người từ 15 tuổi trở lên sẽ đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông với tỷ lệ trên 90%. Theo đó, tỉnh dự kiến tổ chức 735 lớp xóa mù chữ cho gần 23.500 người/176 xã, với kinh phí hơn 46,5 tỷ đồng. Riêng năm 2023, với kinh phí 12,9 tỷ đồng, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân khai kinh phí về các địa phương thực hiện xóa mù chữ với số lượng 217 lớp học cho 6.502 học viên.