GDTĐ - Ukraine đã ký kết các thỏa thuận tương tự với một số thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ, Anh, Đức …
Ukraine và Luxembourg vừa ký kết một thoả thuận an ninh song phương dựa trên "hợp tác chính trị và dựa trên giá trị".
Thoả thuận được ký bởi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Thủ tướng Luxembourg Luc Frieden hôm 10/7 tại Mỹ, nơi 2 nhà lãnh đạo đang tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
RT cho hay Luxembourg là một công quốc nhỏ với dân số khoảng 672.000 người, có chung biên giới với Pháp, Đức và Bỉ. Đây là một trong những thành viên sáng lập khối liên minh quân sự NATO.
Ukraine đã ký khoảng 20 hiệp ước song phương tương tự với các thành viên NATO kể từ đầu năm nay, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Vào tháng 6, Ukraine cũng đã ký các thỏa thuận an ninh với Mỹ và EU.
Đáng chú ý, các hiệp ước mà Ukraine đã ký không có điều khoản “phòng thủ chung” tương tự như Điều 5 trong Hiến chương NATO. Điều khoản này quy định rằng bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên đều bị coi là tấn công vào toàn bộ khối và lập tức kích hoạt Điều 5.
Các hiệp ước mà Ukraine ký với các đối tác không yêu cầu bên kia phải trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Moscow.
Văn bản do Kiev công bố nêu rõ Luxembourg sẽ đảm nhiệm “vai trò đồng dẫn đầu” cùng với Estonia để tăng cường năng lực Không quân và pháo binh của Ukraine.
Luxembourg sẽ hỗ trợ Kiev “thông qua việc cung cấp các khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), bao gồm cả trong lĩnh vực không gian”. Luxembourg cũng sẽ giúp huấn luyện quân đội Ukraine.
Theo Kiev, công quốc này đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá hơn 250 triệu euro. Họ cũng đã phân bổ 80 triệu euro cho viện trợ quốc phòng trong năm nay cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky cho biết thỏa thuận này "tập trung vào sự hợp tác chính trị và dựa trên giá trị giữa hai nước" và cảm ơn Luxembourg đã ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU và NATO của Kiev.
Thủ tướng Frieden viết trên mạng xã hội X rằng mục tiêu là “bảo đảm an ninh, pháp quyền và tự do ở châu Âu”.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ kéo dài cuộc xung đột nhưng cuối cùng sẽ không ngăn chặn được bước tiến của Nga.
Điện Kremlin đã cảnh báo, sự tham gia ngày càng sâu sắc của phương Tây cũng có nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.