Ứng dụng STEM trong giảng dạy môn Công nghệ

15/02/2024, 12:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng STEM trong giảng dạy môn Công nghệ.

Cụ thể là ứng dụng hệ sinh thái OhStem trong giảng dạy chuyên đề Thiết kế mạch điều khiển cho ngôi nhà thông minh môn Công nghệ 10 (Thiết kế và Công nghệ).

Thiếu trực quan, khó dạy Công nghệ hiệu quả

Theo thầy Trang Minh Thiên, Công nghệ là môn học thực nghiệm, gần gũi với đời sống, đòi hỏi tính trực quan vì có nhiều thí nghiệm, mô hình, hiện tượng,... Nếu chỉ có lý thuyết suông, rất khó để người học có thể tưởng tượng ra hoặc nắm được bản chất.

Tuy nhiên, chương trình học lại thiên về lý thuyết, chưa có nhiều cơ hội cho học sinh được tiếp cận trực quan. Chính vì thế, nhiều học sinh chưa tìm thấy niềm say mê, sự hứng thú khi học Công nghệ vì khô khan, khó hiểu.

“Từ thực tế giảng dạy, tôi nhận ra sự cần thiết của việc đưa STEM vào giảng dạy môn học này, nhằm giúp học sinh được tìm tòi, khám phá...; quan trọng hơn là được “nhìn tận mắt, nghe tận tai” để những kiến thức khô khan trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh thay đổi chương trình sách giáo khoa, việc đưa STEM vào dạy học đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm kết nối người dạy và người học.

Bên cạnh đó, tài liệu về STEM hiện đang có tràn lan trên mạng mà chưa có hoặc rất ít kênh chính thống hoặc một hệ sinh thái tích hợp STEM với chương trình GDPT 2018 để hỗ trợ giáo viên”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

Học sinh thực hành thiết kế mạch điều khiển cho ngôi nhà thông minh.
Học sinh thực hành thiết kế mạch điều khiển cho ngôi nhà thông minh.

Ứng dụng Ohstem trong dạy học Công nghệ

Hệ sinh thái giảng dạy STEM ở Ohstem được thiết kế nhằm mục đích trang bị các kiến thức khoa học và công nghệ cho học sinh, bao gồm các chủ đề như Robotics, lập trình máy tính, thiết kế mạch điện, trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc Internet vạn vật (IoT).

Thầy Trang Minh Thiên cho rằng, đây là những công nghệ nổi bật hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ sắp tới.

Bên cạnh nguồn kiến thức đó, việc rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hệ sinh thái STEM tại Ohstem tập trung vào trang bị bộ 4 kỹ năng chính cho học sinh, gồm: Kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, tính sáng tạo và kỹ năng hợp tác.

Để hiện thực được các mục tiêu này, thầy Trang Minh Thiên cho cho biết, OhStem đã xây dựng hệ sinh thái giảng dạy gồm đầy đủ mọi thứ, để các giáo viên có thể tiếp cận và triển khai giảng dạy STEM dễ dàng, gồm: thiết bị, phần mềm lập trình, chương trình giảng dạy.

Về thiết bị, mạch Yolo:Bit là một mạch lập trình mini có thể cầm trên tay, được xem như là máy tính bỏ túi, có màn hình hiển thị bởi 25 đèn led, có trang bị Bluetooth, sensor và có khả năng lập trình được. Người dùng có thể thay đổi chức năng và hoạt động của nó để tạo ra các ứng dụng hấp dẫn và thu hút từ điều khiển các hiệu ứng đèn chớp tắt, cho đến các ứng dụng phức tạp như là điều khiển Robot không dây, nhà thông minh, thậm chí là các ứng dụng cao cấp như Internet vạn vật.

Hiện tại Yolo:Bit được sử dụng trong trường học khá rộng rãi. Với việc hỗ trợ ngôn ngữ lập trình theo kiểu “kéo-thả” cùng một bộ thư viện khá đầy đủ, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận và sáng tạo ra rất nhiều các ứng dụng thú vị.

Tất cả các sản phẩm tại OhStem đều sử dụng chung 1 phần mềm lập trình là OhStem App. Học sinh không cần phải mất quá nhiều thời gian để làm quen công cụ lập trình, thay vào đó, các em sẽ tập trung hoàn toàn vào kiến thức chính cần học

Về chương trình giảng dạy, với từng độ tuổi khác nhau, chương trình sẽ có hướng tiếp cận phù hợp với học sinh, giúp kích thích niềm đam mê và hứng thú học tập của các em. Không chỉ truyền đạt kiến thức về công nghệ và khoa học, chương trình học từ OhStem sẽ có liên kết kiến thức với đời sống, tạo điều kiện để phát triển trí sáng tạo và tưởng tượng cho các em. Mỗi khóa học đều có kèm theo giáo trình hướng dẫn giảng dạy chi tiết, slide giảng dạy cũng như các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.

“Tôi đã mạnh dạn sử dụng các tài nguyên sẵn có của OhStem triển khai Chuyên đề Thiết kế mạch điều khiển cho Ngôi nhà thông minh môn Công nghệ 10 (Thiết kế và Công nghệ).

Thực tế triển khai dự án Ngôi nhà thông minh, tôi nhận thấy các hoạt động dạy và học hào hứng, hấp dẫn do kết hợp lý thuyết với thực hành, linh hoạt nhiều phương pháp học tập khác nhau.

Giờ học sôi nổi, tích cực vì học sinh được trực tiếp làm, tìm kiếm và lĩnh hội kiến thức, đồng thời chia sẻ thành quả (sản phẩm học tập) đến bạn bè. Các em tiếp thu bài dễ dàng hơn vì những nội dung trừu tượng, khó hiểu đã được chính các em tự khám phá hoặc học hỏi từ bạn bè trong nhóm, trong lớp”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

Học sinh được trực tiếp làm, tìm kiếm và lĩnh hội kiến thức, đồng thời chia sẻ sản phẩm học tập đến bạn bè.
Học sinh được trực tiếp làm, tìm kiếm và lĩnh hội kiến thức, đồng thời chia sẻ sản phẩm học tập đến bạn bè.

Một số lưu ý

Từ kinh nghiệm triển khai trong thực tế, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, nhà trường cần chú trọng đến việc tập huấn giáo viên kỹ thuật biên soạn giáo án bài học STEM. Đặc biệt chú trọng đến quy trình thiết kế kỹ thuật (EDP), kỹ thuật đặt vấn đề, đặt câu hỏi phát triển tư duy và công cụ đánh giá.

Các giáo viên cùng tổ bộ môn, đặc biệt là bộ môn Vật lí, Công nghệ, Tin học cần cùng nhau nghiên cứu, khám phá nguồn học liệu mà OhStem Education đang có sẵn, từ đó cùng nhau phát triển và sáng tạo ra thêm những chủ đề, dự án để triển khai trong các năm học tiếp theo.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tự ý thức nâng cao chuyên môn, đặc biệt là không ngại khó khi tiếp cận với STEM và tư duy lập trình, tư duy máy tính. Điều này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay vì giáo viên cần phải là người có đủ trải nghiệm thì mới “truyền lửa” đến cho học sinh.

Cộng đồng giáo viên cần có những kết nối liên trường, liên địa phương để tổ chức các buổi hội thảo chuyên môn về STEM trong Công nghệ.

Bài liên quan
Chi tiết 6 lần nhận hối lộ hơn 14 tỷ đồng từ AIC của cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM
Bị can Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) khai, sau khi nhận 14,4 tỷ đồng từ Công ty AIC, ông đã cho thuộc cấp và chi 1 tỷ đồng cho cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM vì "đã tạo điều kiện giúp đỡ thực hiện dự án".

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng STEM trong giảng dạy môn Công nghệ