Ước mơ làm cô giáo của nữ sinh người Rục

Đặng Tài - Tiến Việt | 08/10/2022, 06:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi ba, nhưng em Cao Thị Lệ Hằng đã nỗ lực vươn lên, trở thành nữ sinh người Rục đầu tiên trúng tuyển vào đại học.

Những ngày qua, thông tin em Cao Thị Lệ Hằng (SN 2004), học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Bình trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế, khiến nhiều người trầm trồ, khen ngợi. Đặc biệt, em Hằng là nữ sinh người Rục đầu tiên tại Quảng Bình trúng tuyển vào đại học.

Rời bản theo ước mơ làm cô giáo

Ước mơ làm cô giáo của nữ sinh người Rục  ảnh 1

Em Cao Thị Lệ Hằng nhận được sự động viên của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, nhà trường, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trước khi lên đường vào Trường Đại học Sư phạm Huế để học tập.

Nhà của Hằng ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình. Hằng là người con thứ 6 trong gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt, ba em mất sớm, một mình mẹ nuôi 8 anh chị em.

Sau khi tốt nghiệp THCS, Hằng phải rời xa gia đình, vượt quãng đường hàng trăm cây số để về TP Đồng Hới học tập tại Trường PTDTNT Quảng Bình. Những ngày đầu về thành phố ở trọ học tập, Hằng thấy mọi thứ đều lạ lẫm.

Ở nơi hoàn toàn xa lạ, có những lúc em nghĩ dừng việc học tập. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của các thầy, cô giáo tại Trường PTDTNT, em đã dần hòa nhập với bạn bè và chăm chỉ, nỗ lực cố gắng trong học tập.

Hằng chia sẻ: “Khi được về thành phố, em cảm thấy rất vui vì sẽ được học hỏi, tiếp xúc với nhiều điều mới mà ở bản làng không có. Môi trường thành phố sẽ giúp em hiểu biết nhiều hơn. Ban đầu về trường, không có người thân nên em cũng buồn và nhớ nhà. Nhưng được các thầy, cô giáo động viên, giúp đỡ, em đã yên tâm hơn và cố gắng để học tập tốt”.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, năm 2016, Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) nhận Hằng là con nuôi biên phòng và chăm sóc trong Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Bộ đội Biên phòng hỗ trợ em Hằng với mức 500 nghìn đồng/tháng cho đến khi em học xong lớp 12.

Từ sự giúp đỡ, “tiếp sức” của lực lượng biên phòng, trong suốt thời gian học tại Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình, Hằng đã cố gắng, nỗ lực vươn lên trong học tập. Cả 3 năm học em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp. Và “trái ngọt” đã đến khi em trúng tuyển vào ngành Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Tâm sự với chúng tôi, Hằng bảo, từ bé em đã ước mơ làm cô giáo để về dạy học cho trẻ em ở chính bản Mò O Ồ Ồ của mình. Và chính giấc mơ ấy đã là động lực để em vượt mọi khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống xa nhà.

Ước mơ làm cô giáo của nữ sinh người Rục  ảnh 2

Những lúc nghỉ học được về nhà, em Cao Thị Lệ Hằng phụ giúp mẹ các công việc gia đình.

Thành quả của quá trình nỗ lực

Bí thư Tỉnh ủy thưởng “nóng” thành tích đậu đại học

Sáng 1/10, Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ trao thưởng đối với nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng. Trước đó, khi nghe tin Hằng trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã gửi lời khen ngợi và thưởng “nóng” 5 triệu đồng. Cũng tại buổi trao thưởng, lãnh đạo Ban Dân tộc, Sở GD&ĐT, các đơn vị, doanh nghiệp đã trao thưởng cho em Cao Thị Lệ Hằng, nhằm động viên em có thêm nghị lực bước vào giảng đường đại học.

Ngoài Cao Thị Lệ Hằng còn có em Vũ Thị Lích, dân tộc Mày, trú tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cũng đã được các đơn vị tặng quà động viên sau khi trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế, ngành học Giáo dục chính trị.

Sau khi biết kết quả trúng tuyển vào đại học, Hằng đã rất vui sướng. Hai mẹ con em ôm nhau vỡ òa trong hạnh phúc. Người thân, thầy cô và bạn bè cũng đã gửi lời chúc mừng đến Hằng, bởi từ trước đến nay chưa có nữ sinh người Rục nào đậu đại học.

Hằng đã đạt số điểm khá cao với 7,75 điểm Ngữ văn; 7,75 điểm môn Địa lý; 7,75 điểm môn Lịch sử và 9,5 điểm môn GDCD. Tổng điểm xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế của nữ sinh này đạt 25,5 điểm.

Em Hằng cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi có giấy báo trúng tuyển, em đã tranh thủ thời gian đi bóc vỏ tràm với tiền công mỗi ngày 150 - 200 nghìn đồng để dành dụm kinh phí lên đường nhập học ở Huế.

Cô Nguyễn Thị Dung, chủ nhiệm lớp 12B, Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết, trong lớp có 29 học sinh là con em các dân tộc thiểu số nhưng duy nhất Hằng là người Rục.

Trong quá trình học tập, Hằng rất có ý thức và cố gắng, em học tốt các môn xã hội. Vì thế, em luôn được cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn quan tâm, hỗ trợ về mặt học tập. Nhằm giúp đỡ em vượt qua khó khăn, yên tâm học tập, các thầy cô đã kết nối với các đơn vị, tổ chức để trao học bổng cho em.

“Bản thân tôi rất vui khi nghe tin Hằng đỗ vào đại học, bởi sự nỗ lực của Hằng cũng đã được đền đáp xứng đáng. Tuy nhiên, gia cảnh của em Hằng rất khó khăn, hy vọng các nhà hảo tâm chung tay, góp sức để em được yên tâm trong hành trình học tập của mình, nỗ lực rèn luyện sau này trở thành cô giáo như ước mơ của em”, cô Dung cho biết thêm.

Ước mơ làm cô giáo của nữ sinh người Rục  ảnh 3

Giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Dung chia vui và động viên em Cao Thị Lệ Hằng

Ước mơ làm cô giáo của nữ sinh người Rục  ảnh 4

Em Cao Thị Lệ Hằng và em Vũ Thị Lích là 2 học sinh Trường PTDTNT Quảng Bình trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế.

Trước khi chia tay gia đình, thầy cô, rời bản làng lên đường để vào Trường Đại học Sư phạm Huế làm thủ tục nhập học, Hằng nhận được sự chia sẻ, động viên từ lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, thầy giáo Phạm Hồng Việt - Hiệu trưởng Trường PTDTNT - cho biết, trong năm học 2022 - 2023, trường có 387 học sinh, trong đó học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%.

“Nhà trường rất vui mừng khi học sinh Cao Thị Lệ Hằng, người đồng bào Rục đầu tiên trúng tuyển vào đại học. Từ kết quả mà em Hằng đạt được là động lực để nhà trường, các thầy cô và toàn thể các em học sinh nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong dạy và học để đạt nhiều thành tích trong năm học mới”, thầy Việt bày tỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ước mơ làm cô giáo của nữ sinh người Rục