Thầy Lỳ Bá Của có 15 năm gắn bó với ốc đảo Chà Lâng. |
Điểm trường Chà Lâng năm học này có 25 học sinh, 7 em lớp 1, lớp 2 có 7 em và lớp 4 có 11 em. Còn lớp 3 và lớp 5 được chuyển ra trường chính để thuận lợi học Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình GDPT mới.
So với Tam Hợp, cô Kha Thị Tý dạy học tại Chà Lâng xa xôi, vất vả hơn rất nhiều, chưa kể chế độ phụ cấp không cao bằng trường cũ do đây không phải là khu vực biên giới. Nhưng sau thời gian cắm bản Mông, cô giáo người Thái dần gắn bó với nơi lòng hồ này, với những đứa trẻ thiếu thốn đủ bề nhưng thích đi học, đến trường.
Phụ trách lớp 1 học Chương trình, SGK mới, nhưng thiết bị dạy học thiếu thốn, mạng Internet hạn chế, cô kết hợp cả phương pháp cũ lẫn mới. “Quan trọng nhất là các em đến lớp đầy đủ. Trẻ lớp 1 ở đây mới biết rất ít tiếng Việt và phát âm không chuẩn do ảnh hưởng âm ngữ tiếng mẹ đẻ. Vậy nên, cách dạy cũng linh hoạt với mục tiêu để các em biết đọc biết viết nhiều nhất”, cô Kha Thị Tý chia sẻ.
Điểm bản Chà Lâng, Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An. |
Thầy Và Bá Tánh, sinh năm 1996 mới vào nghề 3 năm nay, và dạy lớp 2 tại Chà Lâng. Thầy Tánh là người bản địa nên thuận lợi trong giao tiếp, hiểu phong tục tập quán của học sinh. Năm học này, thầy đạt giáo viên giỏi trường và tham gia thi huyện. Tuy chưa đạt giải nhưng thầy giáo trẻ cho biết chặng đường phấn đấu của mình còn rất dài, sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực trau dồi chuyên môn, đem lại nhiều bài học hay cho học trò.
Bản thân từ một học trò vùng cao, quyết tâm theo học để có nghề nghiệp, thầy Tánh có sự đồng cảm với những đứa trẻ Mông và gieo vào học sinh điều mới mẻ, thú vị. “Tôi cố gắng vận dụng phương pháp mới, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh chủ động tham gia đóng góp ý kiến. Học sinh Mông khá rụt rè, ngại giao tiếp với người lạ, nhưng thông minh và có trí nhớ tốt. Đặc biệt, các em thích múa hát và chơi trò chơi. Biết cách giúp các em cởi bỏ e ngại, lồng vào hoạt động trải nghiệm, trò chơi vào tiết dạy, học sinh tiếp thu nhanh hơn”, thầy giáo trẻ chia sẻ.
Trong số giáo viên đến Chà Lâng, thầy Lỳ Bá Của có thâm niên nhất, dạy học từ khi điểm trường lẻ này còn tạm bợ, chưa kiên cố hóa. Với 15 năm làm nghề giáo và cũng chừng ấy năm thầy gắn bó với ốc đảo này. Trước đây, con đường học tập của thầy Của vô cùng gian nan. Nhà ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Mỗi ngày, Của phải dậy sớm “chạy” đến trường chính cho kịp giờ, rồi trưa lại cuốc bộ về nhà với chiếc bụng đói.
Nhiều bạn bè trong lớp “rơi rụng” dần, không đủ kiên trì và vượt khó đi học. Chỉ riêng Lỳ Bá Của học hết cấp 1, rồi cấp 2, lên THPT và vào cao đẳng sư phạm; ra trường về quê hương đi dạy. Lý do chọn trở thành giáo viên, cũng vì những ngày đến trường gian khó ấy, Lỳ Bá Của được thầy cô giáo mình giúp đỡ, cho sách vở, dạy phụ đạo miễn phí, đến tận nhà động viên… Thầy vẫn thường chia sẻ với phụ huynh, học sinh, với mong muốn câu chuyện của mình sẽ “truyền cảm hứng”, truyền ước mơ học hành, nên người và cũng là trả nghĩa ân tình với thầy cô ngày xưa của mình.
Thầy Lỳ Bá Của trở thành “người uy tín” ở bản Mông nơi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Biết từng học sinh, nhớ từng ngôi nhà, rõ từng hoàn cảnh, đến thăm từng vạt rẫy của bà con. “Phụ huynh học sinh bây giờ tiến bộ hơn rồi. Nhiều bố mẹ đi làm công nhân vất vả cũng mong có tiền về cho các con đi học. Nhưng đó cũng chính là thiệt thòi của học sinh, khi không có bố mẹ bên cạnh. Vì vậy, làm người thầy, mình phải chăm lo, quan tâm các em hơn, để bù đắp và không để em nào phải nghỉ học. Để đường tương lai sẽ gần hơn với ốc đảo này”, thầy giáo người Mông nói.