Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn tự sự

25/06/2023, 12:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong thời kỳ văn học nào thì truyện ngắn cũng là thể loại dễ đọc và chiếm được lượng khán giả hâm mộ đông đảo.

Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn tự sự ảnh 1

Mở đầu truyện ngắn Mất cái ví của Nguyễn Công Hoan là chi tiết “ông Tham nhà ta hôm nay bị mất cái ví, trong đựng 40 đồng bạc” và “ông làm dữ lắm” khiến cho đám người ăn kẻ ở trong nhà sợ xanh mắt. Chi tiết này gắn với nhan đề câu chuyện là Mất cái ví, sẽ hướng người đọc vào việc tìm xem ai là người lấy trộm cái ví của ông Tham.

Tuy nhiên, truyện diễn biến theo chiều hướng, qua những kịch tính nhất định, ông Tham loại dần các đối tượng khả nghi, khiến cho ông cậu (Cụ) đang chơi nhà ông Tham phát bực lên vì oan ức, không lẽ thằng cháu dám nghi cho mình.

Rồi vì bực quá, cực chẳng đã Cụ phải lục quần áo, lộn hết các túi áo quần ra cho con cháu xem để khỏi bị nghi ngờ. Tuy nhiên, cách đó vẫn không ổn, qua cách hành xử, nhận thấy ông Tham cứ ám chỉ Cụ khiến Cụ bực quá tự ái bỏ về quê.

Khi đọc câu chuyện này lần đầu, tôi tin chắc nhiều người bất ngờ, bất ngờ vì cách hành xử của ông Tham khiến ông Cụ tự ái. Nhưng còn bất ngờ hơn gấp nhiều lần khi ông cụ bỏ ra về, rồi lặng lẽ ông Tham vứt bẹt cái ví lên mặt bàn trước sự ngạc nhiên của bà Tham. Chúng ta cùng đọc lại đoạn kết truyện:

“Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng:

- Chỉ tại cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra lắm cái rắc rối.

Ông Tham ung dung tủm tỉm đáp:

- Thì đã làm sao?

- Thế sao cậu lại ngờ cho ông làm vậy?

- Tôi vờ thế chứ ví đây này, có mất đếch đâu!

Vừa nói, ông móc trong túi quần, quẳng cái ví đánh bẹt xuống mặt phản. Bà Tham trố mắt nhìn chồng:

- Rõ khéo nhỉ, thế có phải là ông giận không?

- Mợ không hiểu. Tôi chỉ cốt làm thế để bận sau ông đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm!...”.

Thì ra việc kêu mất cái ví chỉ là cái cớ để ông Tham đuổi Cụ về. Chi tiết thật sự đắt giá, gây bất ngờ lớn cho độc giả; để lại dư âm về một sự xót xa đến khó tả khi nhân tính con người trong hoàn cảnh nhất định có thể bị băng hoại, tha hóa mà nhân vật ông Tham là một ví dụ tiêu biểu.

Nói đến tầm quan trọng của chi tiết, không thể phủ nhận vai trò của chi tiết trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tác phẩm tự sự, là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực, gửi gắm tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình về cuộc đời.

Nhân vật thường bộc lộ tính cách qua cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ bề ngoài. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao được miêu tả vẻ ngoài thật ấn tượng, dáng gầy gò, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, rõ dáng vẻ người khắc khổ những năm đói kém.

Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn tự sự ảnh 2

Tuyển tập Nam Cao là tập hợp những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn tài hoa này.

Ẩn chứa trong hình hài nhỏ bé là tình yêu lớn lao dành cho con trai, vì con trai mà lão tằn tiện, sống kham khổ. Cho đến một ngày không thể tìm được cả những thứ bình thường như con ốc dưới ruộng, củ chuối trong vườn… thì lão đã tìm đến con đường cùng, lão chết để nhường sự sống cho con.

Tất cả các chi tiết đắt giá làm sống động thêm hình tượng nhân vật. Chi tiết lặp đi lặp lại câu “Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!” cho thấy sự băn khoăn của một nhân cách. Bình thường, mấy ai hiểu được việc lặp đi lặp lại câu nói ấy, dễ thường người ta sẽ tưởng lão lẩm cẩm. Và chính người sáng suốt như ông giáo cũng có lúc nghĩ vậy.

Ai hay, ẩn sau đó là nỗi niềm băn khoăn rất lớn, là sự giằng xé nội tâm, vừa muốn giữ cậu Vàng bên cạnh, cậu như một kỷ vật để thấy mình được gần gũi với hy vọng ngày trở về đứa con trai yêu quý (vì phẫn chí do không đủ tiền cưới vợ) mà phải đi phu đồn điền.

Mặt khác, lão đã kiệt quệ về kinh tế, không nuôi nổi cậu Vàng nên bán là con đường duy nhất lúc này. Tiếp đó là chi tiết “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước” nói về lòng xót thương, về sự ăn năn khi nỡ “lừa cậu Vàng”, lão ân hận, lão đau khổ ra mặt khi thấy bản thân mình tệ quá, ngần này tuổi còn lừa một con chó, cứ như biết cậu Vàng oán trách mình bán nó đi.

Chi tiết Lão Hạc xin bả chó để mưu sự quyên sinh cũng gây bất ngờ cho nhiều người, trước hết là Binh Tư, kẻ chuyên trộm chó thì nghĩ lão cũng vậy, nghĩ đường cùng thì lão cũng ăn trộm chó như mình. Đâu ngờ, đó là cách duy nhất lão nghĩ ra để “Dọn dẹp quang quẻ con đường đi đến nhà mồ”, không phiền lụy ai, lại dành dụm được ít tiền cho con trai khi hắn trở về sau này, thêm chút “lưng vốn” để cưới vợ và có mảnh vườn làm kế sinh nhai.

Ai đã đọc tác phẩm hẳn đều thương và xót xa trước tình cảnh và cách hành xử của Lão Hạc và đều nhận thấy chi tiết là một trong những yếu tố quan trọng làm nên diện mạo và sức sống cho nhân vật trong truyện ngắn.

Maksim Gorky đã nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi tiết nghệ thuật trong mỗi truyện ngắn còn góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm. Có thể cảm nhận rõ rệt điều đó qua tác phẩm Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó của nhà văn Nam Cao.

Ở Một bữa no là cảnh bà cụ đói quá, ăn lấy ăn để, ăn trong sự khinh miệt của nhà giàu mà không biết, để rồi vì no quá bội thực mà chết. Ở tác phẩm Trẻ con không được ăn thịt chó là chi tiết trẻ con chưng hửng khi mẹ dọn mâm mà cha và các bác uống rượu với thịt chó xong, trên mâm chỉ còn toàn xương. Những chi tiết đó cho thấy sự tha hóa của nhân cách khi con người lâm vào bước đường cùng.

Tuy nhiên, trong con mắt ấm áp lương thiện của nhà văn Nam Cao thì những chi tiết đó đáng thương hơn là đáng lên án. Chi tiết đã làm nổi bật chủ đề của các tác phẩm và tư tưởng của nhà văn khi nhìn nhận tình cảnh khốn cùng của cuộc sống.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vai-tro-cua-chi-tiet-trong-truyen-ngan-tu-su-post644083.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vai-tro-cua-chi-tiet-trong-truyen-ngan-tu-su-post644083.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn tự sự