Vai trò người thầy giúp học trò bước qua áp lực

Đức Trí | 07/04/2022, 06:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học sinh lứa tuổi phổ thông không nhỏ nhưng chưa lớn. Thời điểm này các em chịu tác động từ bạn bè, xã hội và áp lực học tập. Do đó “điểm tựa” người thầy đóng vai trò quan trọng giúp các em bước vào cuộc sống.

“Điểm tựa” cho học trò

Ở thời đại nào thì vai trò của người thầy cũng không thể thiếu. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển thì giáo dục càng đòi hỏi phải đổi mới, khoa học… để người thầy thực sự là “điểm tựa”, là cha mẹ thứ hai của học sinh.

Giáo dục nhân cách, phá bỏ “áp lực” cho học trò trong bối cảnh hiện nay theo quan điểm của thầy Đỗ Văn Giảng, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đó là người thầy cần tránh khuynh hướng cầu toàn, đòi hỏi sự tuyệt đối trong giáo dục học sinh.

Cầu toàn là một đòi hỏi tích cực nhưng đòi hỏi một sự hoàn mỹ tuyệt đối về một nhân cách lại dựa trên những nhận xét và đánh giá cảm tính và hình thức dễ dẫn đến sự ngộ nhận hoặc bi quan trước những biến thái trong quá trình hình thành nhân cách học trò.

Trong quá trình định hình nhân cách nói chung ở mỗi người bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập. Đó là tích cực và tiêu cực. Nhiệm vụ của nhà giáo ở dây là giúp học sinh biết tự điều chỉnh để trở nên tích cực hơn và giúp các em tránh mặc cảm về những hạn chế của mình.

Khuynh hướng cầu toàn trong giáo dục nhân cách có khi dẫn tới sự phủ nhận và cố chấp dễ gây cho các em tâm lý bi quan, trở nên nhu nhược, thiếu tự tin, thụ động không có khả năng sáng tạo và dễ trở thành người chỉ biết tuân thủ và thuần phục.

Mặt khác, người thầy cũng tránh đối xử thiên vị, thiếu công bằng với học sinh. Khuynh hướng này dễ xảy ra do thành kiến giữa thầy và trò hoặc từ các mối quan hệ tế nhị khác. Cách đối xử như vậy dễ gây bức xúc mất niềm tin trong học sinh và từ đó có thể gây ra những hậu quả khó lường trong quan hệ thầy trò, làm tổ thất uy tín của người thầy.

Vừa là thầy, vừa là bạn để giáo dục hiệu quả.

Thầy Đỗ Văn Giảng khẳng định: Để có thể làm tốt việc giáo dục nhân cách cho học sinh người thầy bao giờ cũng phải là “một tấm gương”, đó là một “định ước” mang tính tất yếu của nghề nghiệp.

Khó có thể nói trong hoàn cảnh hiện nay người thầy chỉ cần làm tốt chuyên môn là trở thành một tấm gương cho học sinh noi theo. Nhân cách tốt đẹp của người thầy bao giờ cũng là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí học sinh và góp phần làm nên nhân cách tích cực cho các em…

Cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng: Giáo dục nhân cách học trò cần xuất phát từ sự yêu thương tôn trọng của người thầy. Cần biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông để giúp đỡ các em với tấm lòng khoan dung, độ lượng.

Ở độ tuổi mới lớn, đang trưởng thành, các em còn chưa đủ khả năng làm chủ mình để vượt qua những nhận xét, đánh giá nặng nề. Kể cả cha mẹ cũng không nên nói, làm những việc thiếu chuẩn mực bởi như vậy sẽ gây cho các em cảm giác bị xúc phạm và từ đó dẫn đến những hiệu ứng tâm lý tiêu cực.

Cô Hải khẳng định, cần bền bỉ và kiên nhẫn trong giáo dục học sinh. Và để làm được điều đó trước hết thầy cô cần bình tĩnh, tránh nóng nảy hồ đồ, cáu kỉnh. Mọi động thái tỏ ra nôn nóng, bực dọc thường gây tâm lý sợ hãi bất an và các em dễ trở nên xa lánh hoặc khinh nhờn thái độ và biện pháp giáo dục.

Và để bền bỉ, kiên nhẫn đòi hỏi người thầy phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo; Trước những biểu hiện tiêu cực của học sinh cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có giải pháp giáo dục thích hợp. Tránh bộc lộ chán nản hoặc thoái thác trách nhiệm trước học sinh về những vấn đề gay cấn, phức tạp…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vai-tro-nguoi-thay-giup-hoc-tro-buoc-qua-ap-luc-7lijok8ng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vai-tro-nguoi-thay-giup-hoc-tro-buoc-qua-ap-luc-7lijok8ng.html
Bài liên quan
Thầy cô cùng thay đổi để kiến tạo ngôi trường hạnh phúc
Ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt, tỉnh Quảng Ninh, mỗi giáo viên đang nỗ lực đổi thay để kiến tạo nên những điều tốt đẹp trong ngôi trường hạnh phúc, mỗi thầy cô giáo luôn là một tấm gương đạo đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò người thầy giúp học trò bước qua áp lực