Giáo dục

Vẫn loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên

14/08/2024 14:46

Cho đến nay, bài toán về thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để.

Các địa phương vẫn loay hoay tìm lời giải và chấp nhận tình cảnh “giật gấu vá vai”.

Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026.

Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026. Tuy nhiên, các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao. Một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là một số môn như: Công nghệ, Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên và các môn học có tính đặc thù như: Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật.

Trong khi các địa phương phải “giật gấu vá vai”, loay hoay tuyển dụng thì ở khu vực ngoài công lập, nhiều trường đã bảo đảm đủ số lượng và chất lượng giáo viên, sẵn sàng bước vào năm học mới. Không khó để lý giải thực trạng này, bởi khu vực ngoài công lập có cơ chế tuyển dụng thông thoáng, chế độ đãi ngộ tốt, thậm chí “trải thảm” để thu hút giáo viên giỏi. Trong khi khu vực công lập, việc tuyển dụng phải thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Ngoài ra, tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục phải dựa theo các căn cứ như: Nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Nói chung, quy trình tuyển dụng còn “cồng kềnh” và phức tạp.

Cũng không phủ nhận, hiện sức hút vào ngành Giáo dục còn hạn chế. Tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn xảy ra; đâu đó có sự dịch chuyển từ môi trường công lập sang ngoài công lập.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên, nhất là với một số môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non.

Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Song, để tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng, sử dụng và thu hút giáo viên, thiết nghĩ cần có giải pháp căn cơ như dự thảo Luật Nhà giáo đã đề cập, đó là: Trao quyền chủ động về nhân sự ngành Giáo dục cho các cơ quan quản lý giáo dục. Theo đó, phòng/sở GD&ĐT được quyền tuyển dụng và điều động nhân sự trong nội ngành. Cùng đó, cần thể chế hóa chủ trương “lương giáo viên cao nhất” trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp một cách bền vững khi xây dựng Luật Nhà giáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên