Vào mùa bồi dưỡng: Chủ động nhập cuộc

Hiếu Nguyễn | 18/06/2022, 10:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ được nhà trường, địa phương xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của cán bộ quản lý, giáo viên.

Học sinh cũng được hưởng lợi vì thầy cô đã được tập huấn và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với định hướng dạy học “lấy người học làm trung tâm”. Ngoài ra, các nội dung bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm cũng phần nào giúp cho cách tiếp cận của giáo viên với học sinh tốt hơn, giao tiếp giữa thầy trò thuận lợi hơn.

Các trường sư phạm trọng điểm và giảng viên tham gia bồi dưỡng cũng được hưởng lợi. Giảng viên có điều kiện nghiên cứu sâu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; được tiếp cận công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục; làm việc với cán bộ quản lý, giáo viên giỏi ở trường phổ thông; hiểu và chia sẻ những khó khăn của giáo viên phổ thông…

Trường sư phạm và giảng viên cốt cán đã thu nhận được nhiều thông tin khách quan, chân thực từ trường phổ thông. Đó là cơ sở để xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo các chuyên ngành sư phạm; điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo sinh viên sư phạm; điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.

Chia sẻ nét mới trong đợt tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 10 năm học 2022 - 2023 tới đây, ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết sẽ rà soát và cử giáo viên âm nhạc, mỹ thuật các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp ĐH, có chuyên môn tốt tham gia tập huấn. Đội ngũ này được xem là nguồn để tiếp nhận về trường THPT (khi các thầy cô đáp ứng điều kiện và quy định về thuyên chuyển); hoặc để các trường THPT hợp đồng thỉnh giảng dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10.

Ngoài ra, Vĩnh Long đang xây dựng Nghị quyết quy định mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Đây là chính sách quan trọng góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên không chỉ ở bậc phổ thông, mà còn bao gồm cả bậc mầm non trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Liên quan đến nội dung này, ông Trịnh Văn Ngoãn thể hiện mong mỏi: Bộ GD&ĐT sớm điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT. Lý do: Một số quy định về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên được nêu tại Thông tư không còn phù hợp với Nghị định số 89/2011/NĐ-CP, cũng như lạc hậu so với yêu cầu về bồi dưỡng thường xuyên hiện nay. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tổ chức xây dựng tài liệu bồi dưỡng các mô-đun 6, 7, 8; tổ chức tập huấn cho giảng viên cốt cán của các trường sư phạm trọng điểm để địa phương phối hợp với đơn vị trên tổ chức tập huấn theo đúng lộ trình, kế hoạch (dự kiến hoàn thành trong năm 2022).

Xây dựng nội dung bồi dưỡng từ nhu cầu đội ngũ

Chia sẻ của cô Hoàng Thị Bích Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B, Long Biên, Hà Nội, hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên trong hè của nhà trường thường bắt đầu từ cuối tháng 7. Năm nay, nội dung bồi dưỡng hướng trọng tâm đến nâng cao năng lực sử dụng CNTT cho đội ngũ nhằm thực hiện chuyển đổi số, mô hình trường học điện tử; cùng với đó là bồi dưỡng thực hiện Chương trình, SGK mới với lớp 3.

Nhà trường sẽ tập hợp nhu cầu của giáo viên, những vấn đề thầy cô còn gặp khó khăn, giao bộ phận chuyên môn trao đổi, thảo luận, thống nhất nội dung và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của nhà trường. Kế hoạch này chia theo tiến độ thời gian trong cả năm học tới, không chỉ thực hiện trong hè. Có thể có mảng nội dung sẽ cần nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia, sở/phòng GD&ĐT. Ngoài ra, còn có nội dung bồi dưỡng chính trị hè cho các giáo viên trước khi vào năm học mới.

Từ thực tế địa phương, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cũng cho rằng: Trước hết phải xác định được nhu cầu bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên; từ đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của địa phương và đơn vị trường học phù hợp. Tuyệt đối không tổ chức bồi dưỡng theo phong trào, máy móc kiểu không cần biết người học cần gì, mạnh yếu thế nào đều phải tham gia bồi dưỡng cùng một chương trình, nội dung theo suy nghĩ chủ quan của nhà quản lý; vì thuận lợi cho công tác quản lý mà bỏ qua nhu cầu của người học. Khi ấy, việc bồi dưỡng sẽ mất công và lãng phí (lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt là lãng phí lòng tin của người học…), kém hiệu quả.

Việc xác định được nội dung bồi dưỡng đúng, trúng với nhu cầu người học không chưa đủ. Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, còn phải lựa chọn được đơn vị/người bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng; kiểm tra kết quả bồi dưỡng và hỗ trợ sau khi bồi dưỡng để chuyển trạng thái từ bồi dưỡng có tổ chức sang tự bồi dưỡng thì mới hiệu quả. Bởi lẽ, năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên được hình thành phần nhiều nhờ vào quá trình tự học, tự bồi dưỡng. Mỗi nhà giáo phải không ngừng tự bồi dưỡng, phải tự học để không bị lạc hậu so với học trò là điều không phải chỉ nên làm, mà là phải làm. Khi bồi dưỡng trở thành nhu cầu của mỗi cán bộ quản lý và giáo viên thì chắc chắn sẽ có đội ngũ tốt.

Mỗi trường học, tổ chuyên môn, giáo viên đều có ý thức học tập, tự bồi dưỡng, vai trò truyền lửa, nhóm lửa và giữ lửa của hiệu trưởng rất quan trọng. Hiệu trưởng phải kiên trì để thổi bùng khát vọng học trong giáo viên, học sinh của đơn vị mình. Đây là vấn đề mà địa phương đang theo đuổi và cố gắng triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán, giáo viên cốt cán trong việc giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp cũng được địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. - Ông Trịnh Văn Ngoãn
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vao-mua-boi-duong-chu-dong-nhap-cuoc-DUelgFj7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vao-mua-boi-duong-chu-dong-nhap-cuoc-DUelgFj7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào mùa bồi dưỡng: Chủ động nhập cuộc