VAR cho V.League: Cần những điều kiện gì?

T/H | 17/10/2022, 10:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có thể, cuối năm 2023, VAR sẽ được đưa về áp dụng tại Việt Nam…

VAR cho V.League: Cần những điều kiện gì?
VAR có thể được áp dụng tại Việt Nam từ mùa giải 2023-2024. Ảnh: Asean Football

VAR là cần thiết

Người hâm mộ Việt Nam đã biết đến VAR, nhưng bóng đá Việt chưa thể có VAR, vì nhiều lý do khác nhau. Tất nhiên, không có VAR thì bóng đá vẫn tồn tại và phát triển, nhưng với một giải đấu nhiều vấn đề như V.League, áp lực dành cho các trọng tài phải dùng đến từ “khủng khiếp”.

Night Wolf V.League 2022 chứng kiến nhiều sai sót, ở nhiều mức độ, của các trọng tài. Có người bị đình chỉ làm nhiệm vụ ít vòng đấu, mới trở lại đã lập tức đi vào vết xe đổ của những sai sót. Những sai sót đó đương nhiên ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ, huấn luyện viên bức xúc, ảnh hưởng đến không chỉ đội bóng mà còn là kết quả của cả giải đấu. 

Sự bức xúc đã dẫn đến cách đối phó một cách tự phát, như việc câu lạc bộ Hải Phòng phát chậm hình ảnh qua màn hình lớn trên sân. Tất nhiên, điều đó không được phép, nhưng ví dụ cho thấy sự cần thiết phải đưa VAR về Việt Nam.

VAR về V.League cần những điều kiện gì?

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) từng có kế hoạch đưa VAR vào Việt Nam từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện được. Nửa đầu tháng 10 này, đại diện của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã làm việc với VFF và VPF về kế hoạch này.

Theo đó, dự kiến, công nghệ sẽ được áp dụng từ cuối năm 2023, khi mùa giải 2023-2024 khởi tranh. Đây cũng là mùa giải đầu tiên các giải bóng đá trong nước chuyển đổi lịch thi đấu xuyên qua 2 năm cho phù hợp với lịch thi đấu quốc tế mà Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) yêu cầu.

Có khoảng 13 tháng để thực hiện dự án và được FIFA cấp phép, nhưng ngay thời điểm này, có thể liệt kê một loạt vấn đề mà không chỉ VFF, VPF phải đối mặt. Đặc biệt trong đó là sức ép tài chính. 

Tất nhiên, phụ thuộc vào ngân sách mà các giải đấu có chi phí khác nhau về VAR, nhưng lấy một vài ví dụ để thấy chi phí đắt đỏ ra sao. Anh là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng VAR, với việc thử nghiệm tại FA Cup cùng chi phí mỗi trận khoảng 11.000 USD. Hàng xóm của Anh là Scotland mới dùng VAR mùa này và chi phí lên đến 1,44 triệu USD/mùa. Ở Brazil cũng mới có VAR và số tiền bỏ ra là 6,2 triệu USD/mùa.

Tại Châu Á, cũng chỉ có quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, UAE và Thái Lan là đã có VAR, với chi phí khoảng từ 2.300USD cho đến 6.000USD. Theo nghiên cứu mà Malaysia thực hiện khi có kế hoạch dùng VAR, lắp đặt VAR trong một sân tiêu tốn khoảng 150.000USD.

Ước tính cho thấy, VPF sẽ cần đầu tư khoảng 70 tỉ đồng để đưa VAR về Việt Nam. Nhưng có tiền cũng không có nghĩa là mọi thứ sẽ tự động vận hành. Song song với kinh phí là chuyện nhân lực, với việc tập huấn, đào tạo, tổ chức thực hiện… Quy trình liên quan đến nhân lực phải được FIFA phê chuẩn. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có duy nhất nữ trọng tài Bùi Thị Thu Trang là đã hoàn thành khóa học VAR dành cho trọng tài chính. Trong khi VFF, VPF lo chuyện nhân lực thì vấn đề khác liên quan đến các câu lạc bộ. Liệu họ có phải tốn thêm tiền cho việc lắp đặt (ít nhất 8 camera siêu chậm) trên sân hay không? Tại các giải đấu kể trên, hầu hết là các câu lạc bộ phải chịu chi phí lắp đặt. 

Bài liên quan
Tuyển Việt Nam thua Oman không chỉ vì VAR
VAR tác động lớn trong trận tuyển Việt Nam thua 1-3 trước Oman, nhưng không phải là lý do lớn nhất để dẫn tới thất bại thứ tư của thầy trò HLV Park tại vòng loại World Cup 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VAR cho V.League: Cần những điều kiện gì?