Vết trượt của cử nhân quản trị kinh doanh và “sợi thòng lọng” 20% hoa hồng

31/12/2023, 10:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

"Điều khiến Nguyễn Đức Tùng và đồng bọn có cơ hội thực hiện tội phạm trong thời gian dài chính là tâm lý hám lợi của các bị hại. Thậm chí có người liên tiếp chuyển khoản hơn 500 triệu đồng trong vòng 3 ngày mong kiếm được 20% hoa hồng doanh số để rồi… mất trắng” - điều tra viên chia sẻ. Ổ nhóm lừa đảo bị CAQ Hà Đông triệt phá trong hơn 2 tháng này được coi là một trong những ổ nhóm hoạt động có tổ chức, quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội.

Vết trượt của cử nhân quản trị kinh doanh và “sợi thòng lọng” 20% hoa hồng - 1
“Ông trùm” Nguyễn Đức Tùng tại cơ quan công an

Những câu hỏi đầu tiên

21 đối tượng liên quan và thống kê sơ bộ khoảng hơn 1 tỷ đồng của nhiều bị hại đã “chảy” vào đường dây lừa đảo này. Kết quả đấu tranh ban đầu ấy bắt nguồn từ công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, trên cơ sở kế hoạch rà soát, quản lý chặt các tòa nhà chung cư trên toàn địa bàn, được CAQ Hà Đông xây dựng, triển khai từ nhiều tháng nay.

Manh mối đầu tiên là căn hộ trên tầng 17 chung cư Hồ Gươm, thuộc địa bàn phường Mộ Lao. Tòa nhà này được đánh giá khá cao cấp bởi sự tiện nghi của các căn hộ cũng như cơ chế kiểm soát người ra vào từ đội ngũ nhân viên bảo vệ. Nó gần như đảm bảo tính “khép kín, bảo mật” cho cư dân. Nhưng, dù có kín đến mấy thì những dấu hiệu nghi vấn vẫn bị lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) CAQ Hà Đông phát giác. Một nhóm gần 10 người, đa phần đều trẻ tuổi, thường xuyên tập trung tại căn hộ trên tầng 17 cửa đóng im ỉm từ 8h - 17h.

Nguồn tin trinh sát nắm được là trước đó nhiều thiết bị máy móc điện tử đã được chuyển về đây lắp đặt. Ngay cả chủ căn hộ cũng không biết những người đang ở trong nhà mình là ai, sử dụng với mục đích gì, vì căn hộ đã cho thuê. Đặc biệt, đi sâu xác minh, CAQ Hà Đông phát hiện người đứng ra thuê, quản lý và điều hành hoạt động của nhóm người ở tại căn hộ này còn giữ vai trò “át chủ bài” ở 1 căn hộ trên tầng 27 của chung cư cao cấp King Place tại địa bàn phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Tại đó có đến gần 20 thanh niên tập trung với các thức sinh hoạt bí ẩn tương tự bên chung cư Hồ Gươm.

Bùi Mạnh Cường (SN 1996, trú tại phường Văn Quán, Hà Đông) là cái tên đầu tiên mà cảnh sát hình sự CAQ Hà Đông dựng lên được trong quá trình đi tìm câu trả lời cho những nghi vấn đặt ra. Cường thường xuyên di chuyển qua 2 căn hộ chung cư và tuy không có nghề nghiệp ổn định nhưng có lối sống phóng khoáng, ăn tiêu không tiếc tiền.

Theo sát di biến động của Cường, trinh sát lần ra nhân vật còn điều khiển cả Cường là Nguyễn Đức Tùng (SN 1993, trú tại phường Mộ Lao, Hà Đông). Tùng vốn là cử nhân chuyên ngành kinh doanh - công nghệ, có kiến thức về quản lý, bán hàng và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trinh sát nắm được nhiều lần Tùng xuất cảnh sang Campuchia, Trung Quốc, với nhiều biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội trên không gian mạng. Kế hoạch giải mã những nghi vấn được Đội CSHS xây dựng, báo cáo đề xuất Ban Chỉ huy CAQ Hà Đông để tập trung lực lượng phối hợp hành động.

Vết trượt của cử nhân quản trị kinh doanh và “sợi thòng lọng” 20% hoa hồng - 2
Các đối tượng bị bắt trong vụ án

“Miếng bánh” mang tên “20% doanh thu”

“Với những dấu hiệu thu thập được, chúng tôi nhận định đây là ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động trên không gian mạng, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài” - chỉ huy CAQ Hà Đông nhớ lại. Nhận định đó khiến Ban chuyên án quyết tâm phải nhanh chóng đấu tranh bằng được để vừa làm rõ hành vi tội phạm, vừa ngăn chặn chúng có cơ hội tẩu tán, phi tang tài liệu, chứng cứ.

Ngày 19-12, Ban Chỉ huy CAQ Hà Đông đã chỉ đạo lực lượng CSHS chủ trì, tổ chức kiểm tra 2 căn hộ tại tòa King Place và Hồ Gươm. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện 21 đối tượng đang sử dụng máy tính có kết nối Internet thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Các đối tượng thuộc thế hệ 9X, 10X và đều có kiến thức về công nghệ thông tin. Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án thu giữ tang vật gồm: 1 ô tô Mercedes E300 mang BKS: 30E-679.46 (của Nguyễn Đức Tùng); 21 máy tính xách tay; 40 điện thoại di động; 42 tài khoản ngân hàng với số tiền trong tài khoản khoảng 1 tỷ đồng.

Tài liệu Ban chuyên án thu thập cùng lời khai của các đối tượng thể hiện, sau nhiều lần sang Campuchia, Tùng nhận thấy hình thức lừa đảo trên không gian mạng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo… có thể dễ dàng thu lợi bất chính với số tiền lớn. Từ đó, Tùng nghiên cứu, lên kế hoạch về Việt Nam tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo. Thực hiện tội phạm, Tùng chọn địa điểm là các căn hộ chung cư khép kín, có lực lượng bảo vệ quản lý kiểm soát chặt chẽ để đặt “tổng hành dinh”.

Nhằm đối phó cơ quan chức năng, đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm, mỗi căn hộ Tùng chỉ thuê và hoạt động khoảng 2 - 3 tháng. Từ tháng 11-2023, “ông trùm” thuê phòng 2705 chung cư King Place cho 13 nhân viên có chuyên môn về tin học, khoa học công nghệ, tổ chức thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm có 1 trưởng nhóm và 3 - 5 thành viên. Trưởng nhóm được trả mức lương từ 100 triệu - 150 triệu/tháng, nhân viên khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tùng trực tiếp quản lý, hướng dẫn nhân viên thao tác thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương thức thủ đoạn rất tinh vi.

Cụ thể, đối tượng mua hàng nghìn tài khoản Facebook “ảo” trên mạng xã hội rồi giao cho các trưởng nhóm quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé). Khi có “con mồi” liên hệ (không hạn chế về khoảng cách địa lý), số đối tượng này sẽ hướng dẫn họ đăng bài trên Facebook với nội dung bán vé máy bay giá rẻ. Để tạo lòng tin cho “con mồi”, sẽ có các đối tượng “chim mồi” đóng vai khách đặt mua vé máy bay, và tự tạo giao dịch thành công. Sau đó, “chim mồi” tiếp tục đặt vé máy bay với số lượng lớn, đến khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng thì chúng chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết cũng như các tài khoản đã sử dụng liên hệ với họ và cắt liên lạc.

“Chỉ cần thiếu tỉnh táo ngay từ ban đầu, bị hại sẽ ngày càng mắc sâu vào bẫy lừa” - điều tra viên tham gia vụ án phân tích. Bởi ngay sau khi giăng bẫy được 1 “con mồi”, cả ổ nhóm sẽ kích hoạt trong các vai “quản lý vùng”, “giám đốc tiếp thị” và “khách mua vé”. Chúng tung hứng, hứa hẹn để tìm mọi cách khiến “con mồi” tạm ứng khoản tiền mua vé lớn với hy vọng kiếm được 20% doanh số bán hàng. Và khi đạt được ý đồ, mọi liên lạc sẽ bị cắt đứt. Đơn cử như 1 phụ nữ ở Thái Bình, chỉ trong vòng 3 ngày rơi vào bẫy lừa đã bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng sau 4 lần chuyển tiền. Món tiền “hoa hồng 20%” chưa thấy đâu mà cầm chắc số tiền ứng trước rất khó đòi lại được.

Vết trượt của cử nhân quản trị kinh doanh và “sợi thòng lọng” 20% hoa hồng - 3
Tấm bảng ghi “lịch làm việc” của ổ nhóm lừa đảo

Ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng

Thông tin về vụ việc, đại diện CAQ Hà Đông cho biết, bước đầu các đối tượng khai nhận từ tháng 6-2023 đến khi bị bắt đã lừa được nhiều người ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt được khoảng 20 tỷ đồng. Và chỉ trong 1 ngày khai thác “nóng”, CAQ Hà Đông đã xác minh, làm rõ được 10 người bị hại tại nhiều địa phương, bị chiếm đoạt số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra và các tài liệu chứng cứ thu thập được, CAQ Hà Đông đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với 14 đối tượng (trong đó có Nguyễn Đức Tùng và Bùi Mạnh Cường) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, đồng thời tiếp tục củng cố tài liệu, xử lý các đối tượng liên quan. Rất có thể, chuỗi hành vi phạm tội của các đối tượng sẽ có nối dài nếu không có sự phát hiện, ngăn chặn kịp thời của CAQ Hà Đông. Bởi trước lợi nhuận bất chính lớn, đầu tháng 12-2023, Nguyễn Đức Tùng thuê thêm căn hộ ở tầng 17 ở chung cư Hồ Gươm và tuyển thêm 7 nhân viên, tổ chức hướng dẫn cho số đối tượng này thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn tạo các trang “web giả” bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử có uy tín trên thế giới để khách liên hệ đặt mua hàng, sau đó chiếm đoạt tiền.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra máy tính, điện thoại, tài khoản và lời khai của số đối tượng này, CQĐT bước đầu xác định số nhân viên mới này đang trong giai đoạn được Tùng hướng dẫn, thực hành tập sự và chưa có người bị hại…

Trước lợi nhuận bất chính lớn, đầu tháng 12-2023, Nguyễn Đức Tùng thuê thêm căn hộ ở tầng 17 ở chung cư Hồ Gươm và tuyển thêm 7 nhân viên, tổ chức hướng dẫn cho số đối tượng này thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn tạo các trang “web giả” bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử có uy tín trên thế giới để khách liên hệ đặt mua hàng, sau đó chiếm đoạt tiền.
Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra máy tính, điện thoại, tài khoản và lời khai của số đối tượng này, CQĐT bước đầu xác định số nhân viên mới này đang trong giai đoạn được Tùng hướng dẫn, thực hành tập sự và chưa có người bị hại…

Bài liên quan
Cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến dịp nghỉ lễ 30/4
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến dịp nghỉ lễ 30/4 để người dân phòng tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vết trượt của cử nhân quản trị kinh doanh và “sợi thòng lọng” 20% hoa hồng