Ông Thaksin, một cựu sĩ quan cảnh sát sau đó trở thành tỷ phú viễn thông, rời Thái Lan năm 2008 để tránh nguy cơ phải ngồi tù sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của ông vào năm 2006.
Trong suốt một thời gian dài, Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị. Ông Thaksin đột ngột trở về nước trong bối cảnh Thái Lan chưa tìm được lối thoát trong khủng hoảng chính trị kéo dài từ tháng 5/2023.
Cuộc bầu cử hồi tháng 5 diễn ra với kết quả là đảng Pheu Thai do ông Thaksin sáng lập xếp sau đảng Tiến Bước. Nhưng ứng viên đảng Tiến Bước đã không được giành được đa số phiếu ủng hộ của Quốc hội Thái Lan, chủ yếu đến từ sự phản đối của phe quân đội.
Hôm 22/8, cùng ngày ông Thaksin về nước, Quốc hội Thái Lan với 750 nghị sĩ thảo luận về việc bầu ông Srettha Thavisin làm Thủ tướng. Đảng Pheu Thai do ông Thaksin sáng lập đã đề cử ông Srettha Thavisin cho chức vụ này. Ông Thavisin được xác nhận là ứng viên duy nhất được đề cử cho cuộc bỏ phiếu.
Chiều 22/8, ông Srettha Thavisin đã giành được số phiếu cần thiết để trở thành Thủ tướng. Theo thỏa thuận, ông sẽ lãnh đạo liên minh gồm 11 đảng (trong đó Pheu Thai chiếm đa số ghế) nhưng phải bao gồm hai đảng có liên hệ với phe quân đội - đối thủ của ông Thaksin trong quá khứ.
Vorawut Silapa-cha, người đứng đầu đảng Chart Pattana, đảng liên minh với Pheu Thai, nói sự trở lại của ông Thaksin là "sự khởi đầu của những điều tốt đẹp".
“Đó là hai vấn đề riêng biệt, một là quyền trở về nước của một người, hai là quyền bầu cử thủ tướng. Việc ông Thaksin về nước là bước đầu tiên,” ông Vorawut nói, theo SCMP.
Maiulee Sawathasai, người đứng đầu phong trào áo đỏ ở thành phố Ayutthaya, nói trên SCMP rằng Thái Lan giờ đây đang có cơ hội “bắt đầu lại”.
“Không có ông Thaksin, đất nước đã tụt hậu, nền kinh tế sụp đổ… Chính phủ mới có thể được thành lập với nguồn gốc giống như trước đây và từ đó, đất nước có thể tiếp tục phát triển", Maiulee nói.
Tuy vậy, Đảng Pheu Thai đã bác bỏ sự tham gia của ông Thaksin trong nỗ lực thành lập chính phủ mới.