Vì sao Đà Nẵng chi tiền cho cán bộ đi học thêm bằng Luật?

Theo Nguyễn Thành | 22/09/2023, 07:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đà Nẵng thông qua chính sách hỗ trợ văn bằng đại học thứ hai ngành Luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ngày 21-9, HĐND TP Đà Nẵng trong kỳ họp chuyên đề đã thông qua tờ trình chính sách hỗ trợ văn bằng đại học thứ hai ngành Luật đối với cán bộ , công chức, viên chức.

Vì sao Đà Nẵng chi tiền cho cán bộ đi học thêm bằng Luật? - Ảnh 1.

Cán bộ, công chức Đà Nẵng làm việc tại trung tâm hành chính thành phố.

Theo đó, người được hỗ trợ đi học Luật phải có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên. Thời gian công tác còn lại sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành Luật phải đủ ít nhất 5 năm đối với lãnh đạo, quản lý hoặc ít nhất 10 năm đối với công chức, viên chức chuyên môn.

Người được cử đi học có ít nhất 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Người có nhu cầu tham gia chính sách này được hưởng trợ cấp tốt nghiệp một lần với kinh phí bằng 50% học phí.

Theo tham mưu của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, đào tạo văn bằng hai ngành Luật khoảng 2,5 năm với 109 tín chỉ. Mức học phí toàn khóa học là khoảng 75 triệu đồng. Qua tổng hợp, có khoảng 60 cán bộ, công chức, viên chức đăng ký.

Theo UBND TP Đà Nẵng, việc chuẩn hóa trình độ pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một nhiệm vụ quan trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành tính đến năm 2022 là 18 người trong tổng số 20 cơ quan, đơn vị; trong đó chỉ có 8 người làm chuyên trách.

Tính đến tháng 6/2023, số lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đào tạo chuyên môn ngành Luật đang công tác chỉ chiếm khoảng 4%. Cụ thể có 998 người trên tổng số 23.981 cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền.

UBND TP Đà Nẵng nhận định đội ngũ làm công tác pháp chế chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác xây dựng pháp luật.

Một số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế chưa có kinh nghiệm chuyên môn. Đối với đội ngũ làm công tác chuyên môn thì trình độ pháp luật chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến xảy ra tình trạng tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc áp dụng pháp luật vào thực thi công vụ chưa sâu sát, phù hợp với thực tiễn.

Trên thực tế, qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình tham mưu và thực thi nhiệm vụ. Thậm chí không ít trường hợp sai phạm do cán bộ, công chức, viên chức có sự chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý công việc.

UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc hoàn thiện, nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng pháp luật, đặc biệt là trình độ chuyên môn về pháp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là hết sức quan trọng và cần thiết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Đà Nẵng chi tiền cho cán bộ đi học thêm bằng Luật?