ThS Nguyễn Văn Lực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Tuy vậy, công tác này cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó có những nguyên nhân chủ yếu, đó là việc đào tạo nghề nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn dàn trải. Đồng thời, chưa định hướng chú trọng đến khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó là phần lớn thanh niên xem học nghề là giải pháp bất đắc dĩ.
Công tác thông tin tuyên truyền trong đào tạo nghề nhất là đào tạo nghề cung ứng nguồn lao động chất lượng về kỹ thuật, công nghệ chưa được phổ biến. Do vậy, nhiều thanh niên không có thông tin học nghề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Thanh niên ở các vùng nông thôn thường đến các thành phố lớn để tìm việc và làm công nhân lao động phổ thông.
Ông Nguyễn Văn Lực cũng cho rằng, hiện còn thiếu cơ chế phối hợp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Còn rất ít hình thức đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Từ đó vẫn còn nhiều thanh niên học nhiều nghề tốt nghiệp khó tìm việc làm, làm việc không đúng chuyên môn nghề.
Đồng thời, chưa huy động được sự đóng góp của toàn xã hội và đặc biệt sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều. Hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước cấp, thiếu chủ động đổi mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động. Chưa kể đến hình thức nhà trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường còn vướng về cơ chế hoạt động nên chưa triển khai rộng, đều khắp.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cũng chỉ ra nguyên nhân chưa quan tâm nhiều vào giải quyết việc làm cho thanh niên sau học nghề. Vẫn còn tỷ lệ thanh niên sau đào tạo nghề không tìm được việc làm. Hiện, kỹ năng mềm của người lao động là một trong những yếu tố cần thiết góp phần vào mức độ hiệu quả công việc, vào mức độ thành công trong công việc của mọi lĩnh vực nhất là lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức để làm tốt được nhiệm vụ này.
Không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hoạt động kém hiệu quả do tình trạng giảng viên thiếu kỹ năng, hạn chế về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị lạc hậu, không tiếp cận với thực tiễn sản xuất, không phù hợp với thị trường lao động.
Theo ông Lực, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có nhiều ngành nghề, đặc biệt các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ thường không có hoặc rất ít học viên nữ đăng ký học.
“Ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã tạo ra những thách thức đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Điều này là do đào tạo nghề có tính đặc thù là cần phải tập trung rèn luyện các kỹ năng thực hành, vốn khó thực hiện trong bối cảnh mà khả năng tiếp cận các cơ hội học thực hành tại trường và doanh nghiệp bị hạn chế nghiêm trọng”, ông Lực cho hay.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về công tác thanh niên, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành trong nghề nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã và đang tạo ra cuộc khủng hoảng kỹ năng trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong suốt 2 năm qua đã buộc nhiều hoạt động của con người phải diễn ra trên môi trường số. Vì thế việc thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật và công nghệ càng trầm trọng hơn. Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh chung hiện nay của thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế thế giới và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi, đặc biệt là những công việc tay chân, lao động trình độ thấp dễ dàng được thay thế bằng máy móc. Bù lại, nhiều việc làm mới sẽ được sinh ra, thích ứng với trình độ công nghệ - khoa học kỹ thuật và đòi hỏi người lao động cần có trình độ, năng lực để đáp ứng với sự thay đổi của thị trường việc làm trong tương lai.
“Để làm được như vậy, cần đo lường được chất lượng việc làm, xác định rõ nhu cầu của thị trường lao động mới. Từ đó định hướng cho thanh niên một cách bài bản, đúng hướng để khi học xong các em có thể tìm được những công việc phù hợp nhất với bản thân”, ThS Nguyễn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo các báo cáo về thị trường lao động Việt Nam trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp trọng yếu và ngành kinh tế dịch vụ chiếm trên 80% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó các ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm tỉ trọng lớn và nằm trong “top” có nhu cầu cao nhất. Đặc biệt, một số ngành có tăng trưởng nóng về nhu cầu nhân sự liên quan đến các xu hướng công nghệ hàng đầu đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn (Big data), robot, blockchain…