Vì trò, thầy cô cùng cố gắng

30/12/2023, 07:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không thuận lợi như các trường học ở vùng đồng bằng, thành thị, nhưng công tác xã hội hóa giáo dục ở vùng núi cao vẫn chảy theo một mạch ngầm

Không thuận lợi như các trường học ở vùng đồng bằng, thành thị, nhưng công tác xã hội hóa giáo dục ở vùng núi cao vẫn chảy theo một mạch ngầm khác với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho cả xã hội để tiếp tục cùng chung tay với ngành Giáo dục. Những ngôi trường mái tranh, vách đất, lạnh buốt vào mùa đông, nắng rát vào mùa hè đã dần thay thế bằng phòng học kiên cố, được đầu tư từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Bữa ăn, giấc ngủ của trò luôn đủ đầy và ấm áp nhờ bàn tay chăm chút mỗi thầy cô.

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, chế độ được phát đồng đều cho học sinh thụ hưởng trong khi thể trạng, nhu cầu của từng lứa tuổi khác nhau. Điều đó buộc trường bán trú và trường có học sinh bán trú phải tìm cách xoay xở để lo đủ lượng và chất mỗi bữa ăn cho trò.

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) có 251 học sinh nhưng có tới 175 em bán trú. Cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, học sinh bán trú được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ bao gồm tiền ăn ở (bằng 50% lương cơ bản), và 15kg gạo/em/tháng. Mức hỗ trợ này đồng đều dành cho học sinh bán trú từ tiểu học đến THPT. Nếu như ở cấp tiểu học, với 15kg là thoải mái. Nhưng học sinh lứa tuổi THCS, sức ăn khỏe hơn, nhà trường phải tính toán kỹ để trò không thiếu gạo.

Một khó khăn khác là thời điểm cấp gạo cần phù hợp với thực tế. Hiện mỗi năm cấp gạo vào 3 đợt (đầu năm, giữa năm, cuối năm) là hợp lý, vì phải chờ thống kê danh sách học sinh, vận chuyển, phân phối về từng trường. “Tuy nhiên nên linh hoạt để cấp vào dịp cuối tháng 8, tháng 11 - 12 và tháng 3 - 4 hằng năm. Vì thông thường, tháng 8 học sinh đã tập trung về trường ở bán trú để ổn định sĩ số, nền nếp, chuẩn bị bước vào năm học mới, nhưng gạo lại chưa về. Lúc này nhà trường phải đi vay, hoặc ứng tạm tiền để mua gạo cho các em. Đến khi gạo nhà nước cấp về thì số lượng lớn (hàng tấn), trong khi trường không có kho dự trữ đảm bảo yêu cầu, để lâu gây ẩm mốc, hư hỏng…”, cô Nhung nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền, nhà trường không có quỹ đất dư thừa để tăng gia sản xuất, nên bữa ăn cho học sinh chỉ nhìn vào số tiền hỗ trợ theo Nghị định 116. Để nấu đủ 3 bữa sáng, trưa, tối đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với sự phát triển thể chất lứa tuổi phải tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, đơn vị quán triệt tiết kiệm chi thường xuyên, kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ nhà hảo tâm để mua thêm sữa, bánh kẹo, tổ chức sinh nhật cho học sinh...

Tương tự, thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cũng chia sẻ vất vả khi tổ chức bán trú cho hơn 200 học sinh. “Trường có lợi thế là đất vườn rộng, nên huy động học sinh chăm sóc vườn rau củ, chăn nuôi thêm gà. Số thực phẩm này được tận dụng để bổ sung bữa ăn cho các em. Còn tiền trợ cấp để mua các thực phẩm mà trường không sản xuất được”. Riêng số gạo cho học sinh cũng phải “chắt chiu”. Học sinh THCS đang ở độ tuổi phát triển thể chất, sức ăn khỏe. Hiện trường chưa phải mua thêm gạo cho các em bán trú, nhưng một số thời điểm vẫn phải ứng tiền để đổi gạo cho học sinh rồi chờ đến đợt cấp mới thì trừ nợ”, thầy Phu cho biết.

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để gần 10 học sinh trú tại nóc Ông Cường sẽ ở lại cả tuần ngay tại điểm trường Ông Dũ. Thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Hạnh kể: “Những em từ nóc Ông Cường phải qua suối rồi qua một con dốc khá cao. Trên núi hay có mưa lũ bất thường, nhất là buổi chiều, đi về rất nguy hiểm. Ngoài ra, để các em tự đi về buổi trưa thì nguy cơ cao là buổi chiều sẽ ở nhà luôn, không trở lại trường để học”.

Cùng với 2 bữa trưa của các ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần do dự án Nuôi em hỗ trợ, thầy Hạnh tìm cách “xin” thêm từ nguồn khác để duy trì bán trú cả tuần cho học sinh. CLB Bạn thương nhau (TP Đà Nẵng) đã nhận hỗ trợ bữa trưa cho những ngày còn lại và thêm 5 bữa ăn tối để giữ chân học sinh ở lại trường cho đến cuối tuần. Đều đặn Chủ nhật hằng tuần, thầy Nguyễn Thanh Đên quay trở lại điểm trường Ông Dũ để đón học sinh từ nóc Ông Cường sang. Các em sẽ ở lại trường đến chiều thứ Sáu mới về nhà.

Thầy Đên kể, 5h30 đã phải dậy chuẩn bị bữa sáng để học sinh kịp giờ học. Thầy giáo vừa dạy học, vừa làm anh nuôi, kiêm luôn công tác phục vụ bán trú, thay phụ huynh chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang những lúc trò đau ốm; vỗ về những khi các em nhớ nhà, rèn kỹ năng tự phục vụ…. Thầy cô nhận thêm nhiều phần việc không tên để học sinh được an toàn, không phải hàng ngày trèo đèo lội suối trong những ngày mùa đông giá lạnh. Thầy và trò cùng sinh hoạt trong căn nhà công vụ đã xuống cấp, dù chật chội nhưng luôn rộn ràng tiếng cười nói.

Xúc động trước những ân tình của thầy Đên đối với thế hệ trẻ, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng đã hỗ trợ điểm trường 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, nước sạch và nhà lưu trú cho học sinh.

Thương trò nghèo, đi học xa, một số giáo viên đứng lớp ở các điểm trường lẻ của Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm 1 - 2 bữa ăn trưa tại trường.

Vì là điểm trường thôn nên hầu hết không tổ chức bán trú, dù các em học 2 buổi/ngày. Buổi trưa, các em về nhà rồi chiều trở lại trường. Thể trạng học sinh vùng cao thường nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa ở đồng bằng. Thế nên, mỗi tuần, cô giáo lo cho các em 2 bữa ăn trưa góp phần cải thiện thể trạng.

Công trình điểm trường thôn 2, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vừa được bàn giao và đưa vào sử dụng trước khi mùa mưa đến. Công trình gồm một phòng học, một phòng ở công vụ dành cho giáo viên. Ngoài phòng học được xây dựng khang trang, kiên cố, sân chơi cũng được mở rộng, lắp đặt thêm các thiết bị. Hệ thống nước sạch được xây dựng, đấu nối đến từng hộ gia đình, giúp học sinh và bà con trong thôn có thêm không gian vui chơi, học tập và nguồn nước đảm bảo sức khỏe. Đây là công trình được xây dựng từ nguồn vận động của nhóm thiện nguyện Nhớ về Tam Kỳ.

Hơn một tháng nay, tranh thủ sau giờ dạy, thầy Nguyễn Văn Nhân - điểm trường Ông Bình, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đều tham gia hỗ trợ đội thợ đang xây dựng công trình phòng học ngay sát bên cạnh. Ngôi trường mới dần lên hình lên dáng từng ngày. Đội thợ xây tranh thủ những ngày nắng ráo để hoàn thiện công trình trước khi rừng núi Nam Trà My vào mùa mưa lũ. Thầy Nhân cho biết, chiều nào cũng có mưa nên đội thợ hầu như chỉ làm được nửa ngày. Thế nên, thợ vừa phải xây vừa che chắn để bảo vệ những đoạn tường mới không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Đây là công trình kiên cố hóa trường học do Câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau - Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm.

Thầy Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: “Nhìn ngôi trường đang thành hình mỗi ngày, tôi hình dung khi điểm trường xây dựng xong, khang trang, đẹp đẽ, ấm áp về mùa mưa, không lo nắng dọi về mùa Hè. Thầy trò điểm trường chỉ dạy tạm ở dãy phòng học được lắp ghép bằng gỗ thêm vài tháng nữa. Có trường mới, tiện nghi hơn, các em sẽ thích đến trường. Học sinh chuyên cần thì giáo viên sẽ tập trung hơn cho công tác dạy – học”.

Cũng chạy đua với thời tiết, chỉ sau 1 tuần thi công, cây cầu treo dân sinh bắc qua nóc Ông Yên (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) kịp thời khánh thành và đưa vào sử dụng vào những ngày cuối tháng 9/2023. Cùng với cây cầu treo này, CLB Chuyến xe vạn tình 0 đồng (Đà Nẵng) đã kêu gọi kinh phí để lắp đặt bồn nước, đường ống kéo nước từ suối về trường, lắp đặt hệ thống điện tua bin nước với khoảng 30 triệu đồng để thầy cô và học sinh có nước sạch sử dụng. Trước đó, ngay trong ngày khai giảng năm học mới, thầy và trò điểm trường Ông Cường đã đặt những bước chân đầu tiên trên cây cầu treo vừa mới khánh thành.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính (Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) kể: “Vào mùa cạn, học sinh có thể lội qua suối để đến trường. Thế nhưng, chỉ cần một cơn mưa lớn, nước suối dâng lên, các em phải quay trở lại trường, đợi nước rút mới có thể về làng được. Những cây cầu treo dân sinh, vì vậy, là món quà mơ ước của bà con và học sinh ở những thôn nóc hẻo lánh giữa núi rừng Ngọc Linh hùng vĩ.

Vui ngày hội Trung thu, học sinh Trường PTDTBT THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đồng thời được tặng áo ấm, chăn để chuẩn bị cho mùa Đông. Trong lễ bàn giao công trình xây dựng và cải tạo phòng học, khu sinh hoạt cộng đồng ở nóc Măng Tó (Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), trẻ còn được tặng thêm đồ dùng học tập, áo ấm. Nhìn các em xúng xính thử chiếc áo ấm mới, thầy cô giáo cũng yên tâm hơn cho sức khỏe của học sinh trong những ngày giá rét.

Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho hay: “Hằng năm, cứ chuẩn bị vào mùa mưa, nhà trường rà soát lại áo ấm, ủng đi mưa, áo mưa của học sinh để có kế hoạch vận động các nhà hảo tâm ủng hộ. Các đội, nhóm thiện nguyện hay tặng quà cho học sinh ở các điểm trường lẻ nhiều hơn. Hằng ngày, các em đội mưa từ nhà đến trường nên ủng đi mưa, áo mưa rất cần thiết. Thời tiết ở các điểm trường lẻ cũng lạnh hơn. Vì vậy, với học sinh điểm trường chính, có số lượng từ trên 300 em trở lên, nhà trường phân theo độ tuổi, lớp để có thể chia nhỏ gói hỗ trợ nhằm thuận tiện cho các đội, nhóm thiện nguyện vận động kinh phí”.

Em Hồ Thị Bảo Phượng – học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập kể: “Em được cô giáo dặn phải giữ gìn áo ấm sạch sẽ, trời mưa phải biết mặc áo mưa để không bị ướt người, dễ bị ho, sốt. Áo mưa cũng phải giữ để không bị rách. Mỗi lần đi mưa về thì phơi lên cho khô rồi gấp gọn cho vào cặp sách để sử dụng khi giữa đường gặp cơn mưa”.

THANH XUÂN - TIẾN THÀNH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì trò, thầy cô cùng cố gắng