Khoảnh khắc UAV Lancet của Nga lao thẳng vào tiêm kích MiG-29 của Ukraine.
Đây dường như cũng là lý do Ukraine không có sự phòng bị trước cuộc tập kích. Theo tác giả David Axe, Nga có thể đã sử dụng UAV Lancet phiên bản nâng cấp trong cuộc tấn công.
Tháng trước, truyền thông Nga đề cập đến mẫu UAV Lancet mới có tầm hoạt động lên tới 72km. Đây là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của UAV Lancet, truyền thông Nga khi đó mô tả.
Cuộc tập kích ở căn cứ Dolgintsevo có thể là lần đầu tiên mẫu UAV Lancet mới này tham gia chiến đấu. Ukraine dường như không bố trí hệ thống phòng không ở sân bay hoặc hệ thống không hoạt động. Do đó, một UAV trinh sát khác của Nga có thể dễ dàng bay ngay phía trên căn cứ và quay lại cảnh UAV Lancet tập kích.
Với mẫu UAV Lancet mới, Nga không chỉ tạo ra mối đe dọa với căn cứ Dolgintsevo ở vùng Kryvyi Rih mà còn cả căn cứ Voznesensk ở vùng Mykolaiv.
Tác giả David Axe nhận định, Ukraine có thể sẽ rút bớt chiến đấu cơ ở miền nam hoặc nếu muốn tiếp tục duy trì sức mạnh không quân ở khu vực thì sẽ cần bổ sung thêm hệ thống phòng không và gia cố nhà chứa máy bay.
Trước cuộc tập kích nói trên của UAV Lancet, không quân Ukraine tỏ ra khá tự tin về mạng lưới cảnh báo sớm trong trường hợp Nga phóng tên lửa tầm xa. Nhưng UAV cỡ nhỏ và có khả năng bay thấp như Lancet sẽ tạo ra thách thức do radar phòng không Ukraine thường không phát hiện được.
Đó sẽ là vấn đề mà Ukraine cần giải quyết trước khi nhận các chiến đấu cơ F-16 do phương Tây cung cấp vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tác giả David Axe kết luận.