Chỉ tiêu giáo viên tỉnh Long An đặt hàng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đào tạo theo Nghị định 116 năm 2022. Ảnh: ITN |
Không chỉ chậm nhận được hỗ trợ, sinh viên sư phạm dù được Nghị định 116 làm “bà đỡ” vẫn chưa thực sự yên tâm về đầu ra. Ngay cả nhóm sinh viên đã có tên trong danh sách đặt hàng đào tạo của địa phương vẫn băn khoăn về “ẩn số” việc làm, dù tỉnh hay địa phương nơi các em đăng ký về công tác sau khi tốt nghiệp thiếu giáo viên rất nhiều.
Sau vụ việc 22 tân cử nhân sư phạm hệ chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức phải chật vật tìm kiếm việc làm, nỗi lo trên càng rõ nét. Trần Minh Nhi, sinh viên năm 2 (quê Ninh Thuận), khoa Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM khi nghe thông tin trên cảm thấy âu lo. Hiện tỉnh Ninh Thuận trong cảnh thiếu giáo viên tiểu học, nhưng năm học vừa rồi phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận cũng công bố tuyển sinh số chỉ tiêu sư phạm tương đương số lượng giáo viên đang thiếu.
“Lỡ em học xong nhưng không xin được việc tại địa phương rồi phải đi dạy hợp đồng, hay làm việc khác với mức thu nhập thấp thì làm sao có tiền bồi hoàn kinh phí đã được cấp”, Minh Nhi nói.
Phân tích về vấn đề trên, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nhìn nhận, Nghị định 116 quy định sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em đương nhiên trở thành giáo viên sau khi ra trường, vì vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục.
Thi tuyển dụng, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển, trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” lại không thấy có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng theo Nghị định 116. Việc đầu vào và đầu ra chưa đồng bộ và tương thích khiến sinh viên và cả địa phương e dè… vì trách nhiệm. Đây là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn”, ông Hùng nói.
TS Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng, khi xây dựng chỉ tiêu và thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm, trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn. Từ việc soi chiếu đối tượng gửi đi học, kinh phí chi trả, đến theo dõi quá trình học tập của sinh viên, rồi đảm bảo cơ chế tuyển dụng, thậm chí phải đi thu hồi kinh phí bỏ ra đào tạo khi sinh viên ra trường không công tác trong ngành. Những điều trên là rào cản lớn khiến nhiều địa phương chưa mặn mà.