Ngày 24/5, Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Chia sẻ tại buổi lễ, TS Trần Đình Nam - Phó Viện trưởng phụ trách cho biết, cách đây nửa thế kỷ (ngày 28/5/1975), Viện Kinh tế bưu điện được thành lập với sứ mệnh trọng yếu là nghiên cứu chiến lược, tham mưu chính sách, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực cho ngành bưu chính - viễn thông.
Từ một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Tổng cục Bưu điện, tiếp đến trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nay là thành viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viện Kinh tế bưu điện không ngừng đổi mới, thích nghi và phát triển, khẳng định vai trò là tổ chức nghiên cứu đầu ngành về kinh tế bưu chính viễn thông, phục vụ ngành bưu chính viễn thông cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 2012, Viện mở rộng sang đào tạo đại học chính quy và từ năm 2021 là hệ đại học vừa làm, vừa học, từng bước hình thành mô hình tích hợp nghiên cứu - đào tạo và chuyển giao công nghệ.
TS Trần Đình Nam cho hay, thời gian tới, Viện Kinh tế Bưu điện xác định chiến lược với những hướng trọng tâm như: Phát triển đội ngũ nghiên cứu và giảng viên theo hướng chuyên sâu, nâng tỷ lệ tiến sĩ ít nhất 60% vào năm 2028 và 70% vào năm 2030.
Đồng thời, phát triển thêm ngành và chương trình đào tạo, tập trung vào kinh tế số và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, các chương trình đào tạo liên ngành lai ghép kinh tế với công nghiệp, kinh tế báo chí, đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Viện Kinh tế Bưu điện sẽ tiếp tục tăng cường nghiên cứu các mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, xây dựng phòng thí nghiệm mô hình kinh tế mới nổi, kết quả nghiên cứu nhằm đưa ra các bài toán công nghệ mới, sản phẩm công nghệ mới, giải pháp mới cho các nhóm khởi nghiệp, cũng như cán bộ, sinh viên, học viên thực hiện.
Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, tư vấn đào tạo lập báo cáo ESG, tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và hỗ trợ, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp.
Hiện, Viện Kinh tế bưu điện triển khai tổ chức, quản lý đào tạo 4 ngành đối với đại học hình thức vừa làm vừa học gồm: Kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh và Kế toán. Thời gian tới, Viện đề xuất Học viện mở thêm chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện và một số ngành khác mà Học viện có thế mạnh, đáp ứng với nhu cầu nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia.