Hoạt động phân lô bán nền này “núp” dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư về việc góp vốn thực hiện dự án Khu đất ở nông thôn… Người mua sẽ được nhận một lô đất tương đương với số tiền góp vốn có sẵn kí hiệu do công ty tự đặt ra. Với dạng hợp đồng này, nhà đầu tư (người mua) sẽ chịu nhiều rủi ro khi xảy ra tranh chấp.
Không chỉ mình Công ty BĐS Đại An phân lô bán nền, ở các huyện Tam Dương, Tam Đảo của Vĩnh Phúc, nhiều công ty và nhóm người cũng mua những ô đất lớn rồi phân lô rao bán. Việc tự ý phân lô bán nền khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý là vi phạm quy định đã nêu trong Luật Đất đai.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 2738, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bất động sản và giá đất trên địa bàn tỉnh.
Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản số 1161 về việc siết chặt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển nhượng mục đích sử dụng đất “phân lô, bán nền”, kinh doanh bất động sản của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, tách nhiều thửa có hình thành đường giao thông, vỉa hè, rãnh thoát nước… với mục đích đầu tư kinh doanh và chuyển nhượng tư do (không phục vụ nhu cầu cấp bách về tách hộ của các hộ gia đình, cá nhân, chủ sử dụng đất gốc)... Sở TN&MT Vĩnh Phúc đề nghị UBND các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc cho phép chuyển mục đích sử dụng, đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở TN&MT yêu cầu VPĐKĐĐ các chi nhánh chỉ thực hiện cấp trích lục đến từng thửa đất tách khi có chỉ thị toàn bộ thửa đất gốc phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Việc phân lô, tách thửa đất nhỏ (phân lô chi tiết) phải được UBND huyện, thành phố cho phép phê duyệt trên cơ sở ý kiến đồng thuận của UBND xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư (nơi có thửa đất khi tách thửa).
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho người nhận chuyển nhượng đất nhà để ở. Cụ thể là có xác nhận của chính quyền địa phương và kiểm tra nhiệm thu của cơ quan chuyên môn do UBND huyện, thành phố giao.
VPĐKĐĐ tỉnh chỉ đạo các Chi nhánh rà soát lại toàn bộ các giao dịch, đăng ký biến động có “dấu hiệu” thực hiện việc chia tách thửa, phân lô, bán nền không đúng quy định trên địa bàn thời gian qua. Trên cơ sở đó chủ động đề xuất các biện pháp phù hợp quy định pháp luật để hạn chế ngăn chặn các “giao dịch ảo”, các thủ đoạn “đẩy giá” nhằm tạo các “cơn sốt” cho mục đích giao dịch, kiếm lời không đúng với giá trị quyền sử dụng đất.
Ngay sau khi có 2 văn bản trên, các giao dịch liên quan đến đất phân lô trong khu dân cư gần như “đóng băng”. Cơn sốt đất ảo tại Vĩnh Phúc cũng được hạ nhiệt nhanh chống. Từ đây, xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến hoạt động mua bán đất phân lô bán nền và đang cần được điều tra làm rõ trách nhiệm.
Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin.