Vĩnh Phúc tập trung xây dựng trường học an toàn, thân thiện

23/01/2024, 16:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 23/1, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2023-2024.

Dự hội nghị có ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Văn Huyến – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo một số Sở, ngành; lãnh đạo và Phòng GD các huyện, thành phố và hiệu trưởng các trường trên địa bàn.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm nhà trường

Kết thúc học kỳ I năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp bậc mầm non ổn định, trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Bậc phổ thông, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT hiện hành và Chương trình GDPT 2018 đảm bảo tiến độ. Chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp tiểu học và THCS theo 2 chương trình khá tương đồng. 100% các đơn vị đã đảm bảo tiến độ chương trình học kỳ I và tổ chức kiểm tra, đánh giá theo kế hoạch.

Hội nghị có sự tham gia của hiệu trưởng các trường tại Vĩnh Phúc.
Hội nghị có sự tham gia của hiệu trưởng các trường tại Vĩnh Phúc.

Các trường đã tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, cụm trường. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện nội dung, kế hoạch dạy học; thực hiện linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường quản lý dạy thêm học thêm trong các cơ sở giáo dục.

Hệ thống giáo dục thường xuyên (GDTX) đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức dạy học chương trình GDTX cấp THPT kết hợp đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định của Bộ GDĐT.

Các hoạt động giáo dục khác được triển khai hiệu quả. Học kỳ I, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã tổ chức đánh giá ngoài công nhận kiểm định chất lượng giáo dục và trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 143 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm GDTX tỉnh và 2 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Công tác tổ chức cán bộ - chính trị tư tưởng và công thanh tra giáo dục cũng được thực hiện hiệu quả, đúng quy định…

Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến phát biểu tại hội nghị.

Năm học 2023-2024, Vĩnh Phúc có 518 trường học (tăng 10 trường so với năm học 2022-2023). Đội ngũ nhân lực của ngành có hơn 17.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thiếu theo biên chế giao 1.168 người, thiếu theo định mức 3.363 người.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Huyến đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới. Đồng thời, nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, lãnh đạo Phòng GD&ĐT trong việc triển khai nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhà trường như: Đảm bảo an toàn cho người học, công tác thu chi tài chính và chịu trách nhiệm trước Sở khi để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp…

Rèn bản lĩnh cho học sinh

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc vẫn còn những vấn đề mà hiện nay xã hội đang quan tâm. Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã dành nhiều thời gian để chia sẻ tới lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương và đặc biệt là Hiệu trưởng các nhà trường về 4 nội dung gồm: Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh; Đảm bảo an toàn trong trường học, phòng chống tai nạn thương tích; Vấn đề tâm lý học đường.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nêu quan điểm: “Nhà trường là ngôi nhà thứ hai, là nơi để các thế hệ học sinh rèn đức, luyện tài và nuôi dưỡng tâm hồn”. Vì vậy, Trung ương luôn quan tâm đến sự nghiệp GD&ĐT. Tại Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản quy phạm, không quy phạm chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ để chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT tỉnh.

Về vấn đề tâm lý học đường, ông Lê Duy Thành đã dẫn chứng nhiều số liệu thống kê của cả nước cũng như của tỉnh về tình trạng học sinh bị mất phương hướng, sống trong sự bao vây, cô lập của bạn bè hay phải đối mặt với áp lực thi cử và các vấn đề tâm lý khác.

Từ đó, ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chỉ đạo ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng trường học an toàn. Đặc biệt phải dạy cho học sinh có bản lĩnh, kỹ năng giải quyết tình huống, luôn biết lựa chọn phương án tốt nhất trong tình huống xấu nhất…

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến mong muốn lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ để ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Trường THPT Lê Xoay; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và 6 giáo viên THPT có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy giai đoạn 2018 - 2023.

Phát huy kết quả đạt được, học kỳ II, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục, trọng tâm là chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh xây dựng "Trường học hạnh phúc", "Trường học an toàn" tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, nhân văn, đảm bảo an toàn về sức khỏe, thân thể và tinh thần cho học sinh. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch học đường. Tăng cường công tác tổ chức cán bộ-chính trị tư tưởng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, công tác thanh tra giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành...

Bài liên quan
Triển khai tư vấn tâm lý học đường: Nhà trường gặp khó
Công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường đối với học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, công tác này tại Hải Phòng chưa được quan tâm đúng mực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Phúc tập trung xây dựng trường học an toàn, thân thiện