Voọc Cát Bà nằm trong danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Hai ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hai con Voọc trưởng thành được cho là "vợ chồng" ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), trong đó một con ôm đàn con vào lòng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Ngoài hình ảnh nói trên, thông tin trên mạng xã hội còn cho rằng gia đình Voọc đầu trắng quý hiếm vừa đón thêm 3-4 thành viên mới có bộ lông màu vàng.
Hình ảnh Voọc Cát Bà được quan tâm trên mạng xã hội. Ảnh: Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà
Trao đổi với PLO, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà Nguyễn Văn Thịu xác nhận đây là những hình ảnh Voọc Cát Bà vừa được Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà ghi lại vào cuối tháng 4 vừa qua.
"Đây là hình ảnh hai Voọc mẹ ôm hai Voọc con chứ không phải hai "vợ chồng" Voọc Cát Bà ôm con như trên mạng xã hội đã thông tin" - Giám đốc VQG Cát Bà Nguyễn Văn Thịu cho biết và khẳng định việc đón chào những chú Voọc mới sinh thực sự là niềm vui của VQG Cát Bà trong bối cảnh loài linh trưởng này đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ tuyệt chủng.
Chia sẻ với PLO, ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà của Vườn thú Leipzig (Đức) xác nhận đó là ba cá thể Voọc Cát Bà non được sinh trong tháng 4-2024 thuộc tiểu quần thể Voọc Cát Bà ở khu vực Cửa Đông thuộc VQG Cát Bà ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Hình ảnh Voọc Cát Bà được quan tâm trên mạng xã hội. Ảnh: Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà
Với việc có thêm ba cá thể trong tháng 4, nâng tổng số cá thể Voọc Cát Bà được sinh từ đầu năm tới nay đã lên con số 7.
Giải thích về việc Voọc trưởng thành có màu đen, đầu trắng, trong khi Voọc con mới sinh lại có màu vàng óng, Giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà cho biết đây là việc bình thường trong nhóm linh trưởng.
"Khi mới sinh, Voọc con có bộ lông màu vàng cam rực rỡ. Sau khi trưởng thành, màu lông chúng chuyển sang màu đen, phần đầu có màu trắng. Giống như một số loài linh trưởng, khi còn non chúng có bộ lông màu vàng rực rỡ để nhận được sự yêu thương, chăm sóc của các con Voọc cái khác trong đàn" - ông Neahga Leonard nói.
Ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà chia sẻ về Voọc Cát Bà. Ảnh: Ngọc Sơn
Nói thêm với PLO, ông Neahga Leonard cho biết hiện nay với khoảng 85 cá thể, Voọc Cát Bà nằm trong danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Đây cũng là loài linh trưởng quý hiếm thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau vượn Hải Nam, miền Nam Trung Quốc với khoảng hơn 30 cá thể.
Về các đặc điểm của Voọc Cát Bà, tuổi đời trung bình của voọc Cát Bà 25 - 30 năm. Khi voọc cái 5 - 6 tuổi mới bắt đầu giao phối. Sau khi sinh con, hơn hai năm sau chúng mới có thể giao phối tiếp. Do tập tính bầy đàn, chỉ con đực đầu đàn mới có quyền giao phối với các con cái trưởng thành khác trong đàn. Với những con đực trưởng thành khác, phải tách đàn lập đàn mới hoặc tranh giành vị trí đầu đàn.
Voọc Cát Bà là loài Voọc đầu trắng, có tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus, là loài linh trưởng chỉ còn tồn tại duy nhất trên quần đảo với vùng lõi là Vườn Quốc gia Cát Bà. Chính vì vậy, nó cũng mới có cái tên là Voọc Cát Bà. Theo nghiên cứu gien di truyền của Voọc Cát Bà được Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà thực hiện cách đây khoảng 100 năm, có không nhiều hơn khoảng 300 – 400 cá thể Voọc Cát Bà. Số lượng cá thể này vào giữa những năm 1960 chỉ có khoảng 40 – 50 cá thể. |