Vụ bắt 22 điện thoại Iphone 15 Pro Max: Nhập cảnh vào Việt Nam được mang hàng hóa giá trị bao nhiêu?

27/09/2023, 20:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người thắc mắc, khi nhập cảnh vào Việt Nam được mang hàng hóa giá trị bao nhiêu để không phạm tội buôn lậu hay trốn thuế?

Vụ bắt 22 điện thoại Iphone 15 Pro Max: Nhập cảnh vào Việt Nam được mang hàng hóa giá trị bao nhiêu? - 1

Ông Trần Nhật Sơn bị tạm giữ vì xách 22 điện thoại Iphone 15 Pro Max vào Việt Nam không khai báo, nộp thuế. Ảnh TPO

Có thể vướng vào tội buôn lậu

Mới đây, ông Trần Nhật Sơn (31 tuổi, ngụ Quận 10) đã bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TPHCM tạm giữ để điều tra, làm rõ về hành vi xách 22 chiếc điện thoại iPhone 15 Pro Max vào Việt Nam mà không khai báo, nộp thuế.

Ông Sơn khai báo, mục đích mua, mang 22 điện thoại iPhone 15 Pro Max từ Singapore về Việt Nam là để bán kiếm lời. Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng 900 triệu đồng.

Từ vụ việc trên, câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là khi nhập cảnh vào Việt Nam thì được mang theo hàng hoá có giá trị bao nhiêu để không vi phạm pháp luật?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông luật cho hay, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì khi nhập cảnh vào Việt Nam, cá nhân được mang theo hàng hoá cá nhân có giá trị không quá 10 triệu đồng.

Nếu quá giới hạn này, người mang theo hàng hoá phải khai báo và nộp thuế theo mức thuế suất quy định với cơ quan Hải quan Việt Nam.

Như vậy có thể hiểu, một người Việt Nam khi qua nước ngoài mua 1, 2 hay 10 chiếc Iphone khi nhập cảnh về nước cần phải khai báo và nộp thuế, vì giá trị của 1 chiếc Iphone đời mới thường cao hơn 10 triệu đồng.

Vụ bắt 22 điện thoại Iphone 15 Pro Max: Nhập cảnh vào Việt Nam được mang hàng hóa giá trị bao nhiêu? - 2

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông luật

Điện thoại được nhập vào nội địa phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp không khai báo, nộp thuế, người thực hiện hành vi có thể bị coi là buôn lậu hàng hoá và bị xử lý hình sự nếu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa này.

Theo quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 xử lý về tội buôn lậu: Đối tượng vi phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trốn khai báo thuế khi nhập cảnh bị xử lý thế nào?

Đối với trường hợp hàng hóa có giấy tờ mua bán hợp pháp nhưng được xác định có hành vi trốn khai báo thuế khi nhập cảnh vào Việt Nam, luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho hay, đây là hành vi vi phạm pháp luật, tuỳ theo tính chất mức độ hành vi vi phạm, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trốn thuế được coi là hành vi của cá nhân, tổ chức thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế và các hành vi này được mô tả chi tiết tại Điều 143 Luật quản lý thuế năm 2019.

Vụ bắt 22 điện thoại Iphone 15 Pro Max: Nhập cảnh vào Việt Nam được mang hàng hóa giá trị bao nhiêu? - 3

Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý

Xử lý hành chính: Theo khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ mức bằng với số tiền trốn thuế tới mức gấp 03 lần số tiền trốn thuế.

Đồng thời, người vi phạm cần thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước; buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi vi phạm.

Còn theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với tội trốn thuế: Đối tượng phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ bắt 22 điện thoại Iphone 15 Pro Max: Nhập cảnh vào Việt Nam được mang hàng hóa giá trị bao nhiêu?