Công an TP Hà Nội ngay sau đó đã điều động 15 xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cùng các xe chở phương tiện và hơn 100 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của thành phố, chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đến 23 giờ 29 phút cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận đám cháy, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Địa điểm xảy ra cháy nằm trong ngõ sâu (khoảng 400 m), xe chữa cháy không tiếp cận được nhưng các lực lượng đã cứu được hơn 70 người mắc kẹt trong đám cháy, đưa hàng chục người đi cấp cứu tại các bệnh viện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ những nạn nhân và những trường hợp bị ảnh hưởng do đám cháy. Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Y tế, các cơ sở y tế tập trung, cố gắng cứu chữa tối đa người bị nạn, kinh phí chữa trị do thành phố bảo đảm. Đối với việc hỗ trợ người bị nạn, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố, Ủy ban MTTQ thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp ở mức cao nhất, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn. Nguồn hỗ trợ lấy từ ngân sách, xã hội hóa và MTTQ Việt Nam các cấp.
Truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức
Cùng ngày, Thủ tướng ký Công điện số 796/CĐ-TTg về vụ cháy. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn. Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến hiện trường chỉ đạo các lực lượng cứu hộ cứu nạn. Ảnh: HỮU HƯNG
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đã thống nhất với Bộ Công an chỉ đạo điều tra tận gốc vấn đề, từ khâu cấp phép xây dựng. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội sẽ vào cuộc kiểm tra trách nhiệm lãnh đạo, quản lý liên quan... "Tinh thần chỉ đạo là sai đến đâu xử đến đấy, bảo đảm sự nghiêm minh theo quy định của pháp luật" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.
56 người chết, 37 người bị thương Tính đến cuối giờ chiều 13-9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong). Ngay trong ngày 13-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979; trú phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy) về tội "Vi phạm quy định về PCCC theo điều 313 Bộ Luật Hình sự; các quyết định và lệnh bắt bị can đã được VKSND thành phố phê chuẩn. Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến nhắc đến vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân và cho biết "hậu quả rất nặng nề". Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng thuộc bộ và Công an TP Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn. |