Giáo dục quốc phòng

Vụ đột kích bất ngờ làm bùng lên cuộc chiến lần 2 của Israel ở nước láng giềng

27/08/2024 20:35

Trên truyền hình nước nhà, tham mưu trưởng quân đội Israel tuyên bố nếu các binh sĩ nước này không được thả, Israel sẽ đưa Lebanon trở về như 20 năm trước.

Một binh sĩ Israel bị thương được đưa đi cấp cứu sau cuộc đấu súng với các tay súng Hezbollah vào tháng 7/2006 gần biên giới Israel - Lebanon. Ảnh: Getty

Một binh sĩ Israel bị thương được đưa đi cấp cứu sau cuộc đấu súng với các tay súng Hezbollah vào tháng 7/2006 gần biên giới Israel - Lebanon. Ảnh: Getty

Cuộc đột kích chọc giận Israel

Theo tạp chí Mỹ Boston Review, vào khoảng 9h ngày 12/7/2006, Hezbollah đã thực hiện 2 hoạt động cùng lúc qua biên giới Lebanon - Israel.

Hoạt động thứ nhất là cuộc đột kích của một nhóm nhỏ các tay súng vào lãnh thổ Israel, bắt giữ 2 binh sĩ IDF thuộc đơn vị tuần tra biên giới làm con tin, giết 3 binh sĩ IDF và làm 2 người khác bị thương. Mục đích của Hezbollah là đổi binh sĩ IDF lấy các tù nhân Lebanon bị Israel giam giữ. Các hoạt động trao đổi từng diễn ra nhiều lần ở thời điểm đó.

Hoạt động thứ hai của Hezbollah là việc phóng một số tên lửa từ Lebanon về phía 2 vị trí của IDF ở gần biên giới Lebanon - Israel. Hoạt động này nhằm đánh lạc hướng chú ý của IDF và nó đã phát huy tác dụng.

Các chỉ huy IDF phải mất nửa giờ mới biết thông tin về vụ đơn vị tuần tra bị đột kích. Khi phát hiện, họ huy động một xe tăng và xe bọc thép chở quân để truy đuổi nhóm tay súng Hezbollah được cho là đang giữ 2 binh sĩ IDF làm con tin.

Khoảng 11h, xe tăng Israel đâm phải mìn tự chế và bị phá hủy gần như hoàn toàn, khiến 4 binh sĩ bên trong thiệt mạng. Một binh sĩ khác bị bắn chết khi cố gắng đưa thi thể 4 đồng đội khỏi xe tăng. Phải mất thêm nhiều giờ nữa, IDF mới có thể đưa 4 thi thể binh sĩ về đơn vị.

Hỏa lực của Israel trút về phía các mục tiêu của Hezbollah vào tháng 7/2006. Ảnh: Getty

Hỏa lực của Israel trút về phía các mục tiêu của Hezbollah vào tháng 7/2006. Ảnh: Getty

Cả ngày hôm đó, không quân và hải quân Israel oanh tạc các cây cầu và nhiều điểm khác dọc theo các tuyến đường về phía bắc mà họ cho là nhóm tay súng Hezbollah có thể đang ở đó.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Israel Ehud Olmert tuyên bố, cuộc đột kích xuyên biên giới của Hezbollah "không chỉ là tấn công khủng bố, mà còn là hoạt động của một quốc gia có chủ quyền mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào. Chính phủ Lebanon mà Hezbollah là một phần trong đó đang làm suy yếu sự ổn định của khu vực và chính phủ Lebanon sẽ phải chịu hậu quả".

Theo Boston Review, đây là một tuyên bố quan trọng. Từng lời trên của Thủ tướng Olmert đã tách biệt hành động của Israel "khỏi cuộc chiến chống khủng bố" của Washington (Mỹ và Israel coi Hezbollah là khủng bố). Ông Olmert đã tuyên chiến với Lebanon dù Thủ tướng Lebanon Fouad Siniora khi đó nỗ lực tách biệt các hoạt động của chính phủ nước này với Hezbollah.

Tổng tham mưu trưởng IDF Dan Halutz cũng cảnh báo trên truyền hình Israel: "Nếu các binh sĩ Israel không được thả, chúng ta sẽ đưa Lebanon trở về như 20 năm trước".

IDF đối đầu Hezbollah

Theo Boston Review, ngày 13/7/2006, Israel ném bom sân bay quốc tế Rafiq Hariri ở thủ đô Beirut cùng các căn cứ không quân của Lebanon ở thung lũng Beqaa (miền đông) và miền bắc nước này.

Một ngày sau, IDF oanh tạc vào nhà của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ở phía nam Beirut và nhiều mục tiêu khác ở Lebanon. Cùng ngày, Thủ tướng Israel Olmert đưa ra 3 yêu cầu cụ thể với chính phủ Lebanon để chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Thứ nhất là trả tự do vô điều kiện cho các binh sĩ IDF bị bắt làm con tin. Thứ hai là chấm dứt các cuộc tấn công bằng rocket, đồng thời thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1559 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi giải giáp Hezbollah.

Trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, cả ngày lẫn đêm, không quân Israel đã thực hiện khoảng 2.000 lượt bay của các chiến đấu cơ và trực thăng tấn công không kích nhiều mục tiêu khác nhau của Hezbollah. Hezbollah đáp trả bằng việc bắn hàng loạt rocket vào các thành phố miền bắc Israel.

Ngày 22/7/2006 chứng kiến sự leo thang của cuộc chiến khi Israel bắt đầu triển khai khoảng 2.000 lính bộ binh vào miền nam Lebanon. IDF bắt đầu Chiến dịch Webs of Steel (tạm dịch: Lưới thép) và kiểm soát thị trấn Maroun al-Ras. Hezbollah vẫn duy trì việc nã rocket vào miền bắc Israel.

Hai ngày sau, IDF triển khai Chiến dịch Webs of Steel 2 để chiếm thị trấn Bint Jbeil. Kéo dài đến giữa tháng 8, Webs of Steel 2 trở thành một trong những chiến dịch đẫm máu nhất của cuộc chiến. Nhiều binh sĩ IDF và hàng chục tay súng cùng chỉ huy Hezbollah đã thiệt mạng trong chiến dịch.

Ngày 3/8/2006, Israel triển khai thêm lực lượng bộ binh vào miền nam Lebanon, đồng thời tăng cường không kích các mục tiêu của Hezbollah. Tuy nhiên, Hezbollah vẫn không ngừng bắn rocket vào các khu vực biên giới giáp Lebanon của Israel.

Rocket Katyusha được bắn từ miền nam Lebanon vào Israel tháng 8/2006. Ảnh: AFP

Rocket Katyusha được bắn từ miền nam Lebanon vào Israel tháng 8/2006. Ảnh: AFP

Ngày 11/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 1701, kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn, Israel rút quân khỏi Lebanon, giải giáp vĩnh viễn tất cả các lực lượng dân quân hoạt động tại Lebanon (bao gồm cả Hezbollah và PLO), và không có lực lượng vũ trang nào ngoại trừ Lực lượng Lâm thời của Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) và quân đội Lebanon. Nghị quyết cũng kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho các binh sĩ IDF bị bắt làm con tin.

Dù Nghị quyết 1701 được thông qua tối 11/8, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn. Ngày 12/8, trong các lần tuyên bố riêng rẽ, thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah và chính phủ Lebanon nói rằng họ chấp nhận lệnh ngừng bắn và Nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan sau đó tuyên bố đã nhận được sự đồng thuận của cả Lebanon và Israel rằng nghị quyết sẽ có hiệu lực vào 8h sáng 14/8.

Tại Israel, Thủ tướng Olmert cho biết ông "hoan nghênh" nghị quyết trên, nhưng nói rằng Israel sẽ không ngừng bắn cho đến khi chính phủ Israel họp thông qua nghị quyết.

Nhưng sáng 12/8, Israel cuối cùng đã phát động cuộc tấn công trên bộ lớn vào Lebanon, với số quân được tăng cường lên đến đỉnh điểm là 30.000 người.

Triển khai quân cả trên bộ và trên không (trong các đoàn trực thăng chở quân lớn), IDF cố gắng tiếp cận sông Litani. Lực lượng không quân vừa cung cấp hỗ trợ trên không, vừa tấn công các mục tiêu sâu hơn trong nội địa Lebanon, bao gồm các nhà máy điện ở các thành phố Tyre và Sidon, một xa lộ và một số địa điểm khác ở thung lũng Bekaa (miền đông Lebanon).

Theo Boston Review, cuộc tấn công trên bộ vào phút chót đã sớm chứng tỏ là một thảm họa. Gần 20 lính bộ binh và 5 thành viên phi hành đoàn trực thăng đã thiệt mạng và hàng chục binh lính khác bị thương trong ngày 12/8.

Sự phối hợp giữa các lực lượng của IDF không được như ý trong các ngày tiếp theo.

Trong một số tình huống, khi các tổ xe tăng bị bao vây, binh sĩ trong xe đã yêu cầu hỗ trợ trên không (CAS) ngay lập tức nhưng bị Bộ Tư lệnh phía Bắc (thuộc IDF) từ chối vì sợ CAS sẽ dẫn đến tình huống "quân ta bắn quân mình".

Bộ binh IDF trong giai đoạn này cũng dần bộc lộ thiếu sót trong kỹ thuật chiến đấu, dẫn đến hiệu suất kém. Các đơn vị bộ binh thường không thể phối hợp với lực lượng thiết giáp. Các lính xe tăng của IDF cũng tỏ ra kém thành thạo khi hoạt động vào ban đêm.

Theo tạp chí Air And Space Forces, từ đầu tới cuối, hoạt động trên mặt đất của IDF không có định hướng rõ ràng. Các binh sĩ IDF trở về từ mặt trận nói rằng, các tay súng Hezbollah thông thạo địa hình, nhiều kinh nghiệm chiến đấu cộng với hệ thống phòng thủ kiên cố khiến họ trở nên khó đối phó hơn dự kiến.

Binh sĩ Israel ngủ trên xe tăng ở gần biên giới Israel - Lebanon năm 2006. Ảnh: Getty

Binh sĩ Israel ngủ trên xe tăng ở gần biên giới Israel - Lebanon năm 2006. Ảnh: Getty

Sáng 13/8/2006, nội các Israel chính thức chấp thuận Nghị quyết 1701 nhưng suốt cả ngày hôm đó, không quân, hải quân và pháo binh Israel vẫn không ngừng tấn công Lebanon, bao gồm cả vùng ngoại ô phía đông thủ đô Beirut.

Theo Boston Review, trong 72 giờ cuối cùng của cuộc chiến, người Israel đã thả khoảng 1,1 triệu quả bom bi xuống miền nam Lebanon. Một số lượng lớn bom bi vẫn rải rác khắp đất nước, gây thương vong cho dân thường sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Ngày 13/8, Hezbollah đã bắn loạt rocket lớn nhất, hơn 250 quả, vào miền bắc Israel, nhắc nhở người Israel rằng quân đội của họ đã thất bại trong mục tiêu ngăn chặn, phá hủy rocket của Hezbollah.

8h sáng 14/8, chiến trường đột nhiên trở nên yên tĩnh. Một vài cuộc đụng độ nhỏ vẫn tiếp diễn ở phía nam Lebanon giữa các đơn vị Hezbollah và IDF. Nhưng ngay lập tức, trên khắp cả nước, 1 triệu người Lebanon đã rục rịch trở lại miền nam đất nước.

Ngày 17/8, theo Nghị quyết 1701, quân đội Lebanon đã gửi những binh sĩ đầu tiên đến phía nam. Lực lượng bộ binh của IDF đã bắt đầu rút khỏi một số vị trí dễ bị tấn công nhất của họ bên trong Lebanon ngay từ sáng 15/8. Đến ngày 17/8, quân đội Israel tuyên bố rút khỏi 50 phần trăm các khu vực mà họ đã chiếm đóng. Khi rút lui, họ đã trao những khu vực đó cho lực lượng của Liên Hợp Quốc.

Các tình nguyện viên của Hezbollah đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm trưng bày các xe tăng Israel bị phá hủy nhân dịp kỷ niệm 2 năm Chiến tranh Lebanon lần 2. Ảnh: Getty

Các tình nguyện viên của Hezbollah đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm trưng bày các xe tăng Israel bị phá hủy nhân dịp kỷ niệm 2 năm Chiến tranh Lebanon lần 2. Ảnh: Getty

Chiến tranh Lebanon lần hai đã gây ra những hậu quả đáng kể. Trong 33 ngày, hơn 1.200 người Lebanon (hầu hết là dân thường) thiệt mạng, và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Về phía Israel, có 165 người (chủ yếu là binh sĩ) thiệt mạng và khoảng nửa triệu người phải sơ tán. Tờ Le Monde của Pháp bình luận: "Chưa bao giờ số người thiệt mạng ở cả 2 phía lại cao đến vậy chỉ trong hơn 1 tháng".

Theo tạp chí Boston Review, Israel bị cho là thất bại khi không thể giải giáp Hezbollah và ngăn lực lượng này bắn phá rocket vào khu vực biên giới Israel. Trong khi đó, vị thế chính trị của Hezbollah đã tăng lên trên toàn bộ Trung Đông cũng như ở Lebanon.

Ngày 25/8/2006, tờ báo lớn của Israel Yedioth Ahronoth công bố kết quả của một cuộc thăm dò cho thấy, "63% người tham gia thăm dò cho rằng Thủ tướng Ehud Olmert thất bại trong việc xử lý cuộc chiến ở Lebanon và nên từ chức". Trong khi đó, tại Lebanon, các cuộc thăm dò ngày 23/8 chỉ ra rằng 72% người tham gia thăm dò đánh giá Hezbollah đã giành chiến thắng trong cuộc chiến.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên123

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/vu-dot-kich-bat-ngo-lam-bung-len-cuoc-chien-lan-2-cua-israel-o-nuoc-lang-gieng-c415a1592500.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/vu-dot-kich-bat-ngo-lam-bung-len-cuoc-chien-lan-2-cua-israel-o-nuoc-lang-gieng-c415a1592500.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ đột kích bất ngờ làm bùng lên cuộc chiến lần 2 của Israel ở nước láng giềng