Trong hành lý của Thông có 10 gói cà phê G7 có chứa ma túy. Cảnh sát Nga đã bắt giữ, khởi tố Thông để điều tra, đề nghị Công an Việt Nam phối hợp điều tra.
Trên cơ sở tài liệu nêu trên Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tổ chức điều tra và xác định được đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Hà Nội đi Moscow do Phạm Văn Tài ở Hà Nội cầm đầu.
Với thủ đoạn rất tinh vi, lợi dụng việc đi lại của các em sinh viên, người lao động từ Việt Nam sang Nga qua đường hàng không, hành lý chưa đủ trọng lượng, các đối tượng đã cất giấu ma túy vào hàng hóa như gói cà phê G7, rau hoa quả, đồ điện tử… gửi các em vận chuyển sang Moscow.
Sau đó, sẽ có đối tượng liên hệ, ra sân bay đến nhận hàng nên nhiều trường hợp đã vô tình phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, bị Cảnh sát Nga bắt giữ điều tra xử lý theo pháp luật của Nga.
Quá trình điều tra xác minh áp dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ với sự quyết tâm cao, phải bắt bằng được các đối tượng này giải đáp cho Cảnh sát Liên bang Nga và chứng minh hành vi vô tội của em Thông.
Ngày 27/3/2016, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt quả tang Triệu Quang Tùng vận chuyển một thùng các tông đựng nồi cơm điện đến phố Chùa Láng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội giao cho Đoàn Thị Minh.
Kiểm tra nồi cơm điện, cơ quan điều tra thu 197,8g ma túy tổng hợp dấu ở đáy nồi cơm điện. Khai thác mở rộng, cơ quan điều tra bắt Phạm Văn Tài (đối tượng chủ mưu), Nguyễn Huy, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thị Thơ,…
Theo tài liệu, từ tháng 6/2015 đến tháng 3/2016, Phạm Văn Tài đã chỉ đạo các đối tượng rất nhiều lần mua bán, vận chuyển ma túy từ Hà Nội đi Moscow tiêu thụ với các thủ đoạn trên. Số lượng mỗi lần khoảng 200- 500g ma túy.
Ngày 21/11/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C47) đã kết thúc điều tra vụ án đề nghị truy tố các bị can trước pháp luật.
Không chỉ vụ việc trên, ở chiều ma túy vào Việt Nam, vào cuối năm 2011, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện Trần Hạ Tiên, sinh viên năm thứ 3 của một trường Đại học ở TPHCM nhập cảnh chuyến bay QR688 từ Doha (Qatar) về Việt Nam giấu trong chiếc vali hai đáy 4,1 kg ma túy.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an bắt giữ chị gái Tiên là Trần Hà Duy cũng đang là sinh viên tham gia vận chuyển trong đường dây ma túy này.
Theo khai nhận của Trần Hạ Tiên, được sự giới thiệu của chị gái, với thủ đoạn ngụy trang bằng cách vận chuyển quần áo mẫu qua đường hàng không, nhân dịp nghỉ hè, Tiên nhận hợp đồng với người đàn ông gốc Nigeria có tên là Francis đi Doha vận chuyển với thù lao là 1.000 USD/lần.
Ngoài việc nhờ em gái, để thực hiện yêu cầu giao hàng của Francis, Duy còn nhờ bạn là Huỳnh Ngọc Lợi vận chuyển chiếc vali có chứa 3,5 kg chất ma túy về Việt Nam. Sau đó lại tiếp tục chuyển sang Campuchia thì bị Công an bắt giữ. Tuy nhiên quá trình điều tra cho thấy Lợi không biết trong va ly có chứa ma túy nên chưa đủ cơ sở xử lý hình sự.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định Duy phải chịu trách nhiệm với 7,5 kg chất ma túy được giấu trong vali của Lợi và Tiên. Tính đến ngày bị bắt, Duy và đồng bọn đã vận chuyển ma túy trót lọt cho Francis 11 lần từ nhiều quốc gia.
Ngày 27/3/2012, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên phạt Trần Hà Duy án tù chung thân và Trần Hạ Tiên mức án 20 năm tù cùng về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Có thể thấy, buôn lậu ma túy bằng đường hàng không đang ngày một tinh vi. Mặc dù các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông đã tuyên truyền về tác hại, thủ đoạn của đối tượng phạm tội ma túy qua đường hàng không nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu, chưa nắm được pháp luật về phòng chống ma túy, về thủ đoạn của tội phạm ma túy, nhiều người cũng vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tay tham gia vận chuyển ma túy cho đối tượng...
Đề cao cảnh giác khi được nhờ cầm, giữ đồ tại sân bay
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, thông thường những vụ việc người nhập cảnh bị phát hiện có cất giấu ma túy là rất bất lợi, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan biết hay không biết có ma túy trong hành lý được người khác nhờ gửi. Việc xác định có tội hay không được Cơ quan điều tra chứng minh bằng các chứng cứ khách quan như các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng...
Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản là nếu không biết hàng gì thì không có tội và vô tư cầm hộ, cầm giúp hàng hóa cho người khác. Tuy nhiên, thực tế để chứng minh là cầm hộ, cầm hộ ai, trả hàng hóa cho ai như thế nào sẽ rất khó khăn nếu như bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Các đối tượng chủ sở hữu hàng cấm có thủ đoạn, hành vi rất tinh vi, xảo quyệt và phòng ngừa cả phương án bị lộ nếu có.
Đặc biệt, với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thường mỗi công đoạn là một số người thực hiện độc lập, không biết nhau và chỉ liên lạc qua sim rác, mạng xã hội...
Vì thế, gần như chúng ta không có bất cứ thông tin gì về đối tượng nhờ, hoặc các thông tin rất mờ nhạt, không rõ ràng, thậm chí là thông tin giả.
Qua những vụ việc này, các cơ quan chức năng và các luật sư một lần nữa khuyến cáo "tuyệt đối không nhận giữ giùm hay xách đồ giùm ở sân bay" cho dù người lạ có năn nỉ hay trình bày hoàn cảnh ra sao (như quên kí gửi hành lý, hành lý quá cân hay đi đăng kí để kí gửi hành lý, đi vệ sinh…), bởi chúng ta rất có thể bị lợi dụng lòng tốt và rơi vào tình cảnh "giúp người nhưng hại mình".
Để không vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm ma túy, người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản khi đi máy bay.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, quy tắc của ngành hàng không là hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ.
Khi đi qua khu vực làm thủ tục an ninh, soi chiếu hành lý, hành khách tuyệt đối không mang hộ đồ của người khác.
Cần quan sát và đợi những người đã đi trước mình lấy xong hành lý của họ rồi mới đặt hành lý của mình lên băng chuyền, bảo đảm hành lý soi chiếu của mỗi cá nhân cần tách rời, không bị lẫn sang khay đồ của người khác….
Để người dân hiểu, cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm, các cơ quan chức năng, an ninh hàng không thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm ma túy.
Đồng thời cơ quan hải quan, nhân viên hàng không nêu cao cảnh giác, tích cực kiểm tra, soi chiếu phát hiện ma túy dấu trong hành lý, trong người của hành khách xuất nhập cảnh để xử lý...