Vững bước vào năm học mới

20/07/2023, 09:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022 - 2023 khép lại với nhiều điểm sáng và những tin vui liên tiếp từ mầm non đến đại học.

Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đà Nẵng có 7 trường mầm non ngoài công lập xin được giải thể. Sau khi dịch bệnh được khống chế, 3 trường mầm non tư thục được thành lập mới. Vì vậy, sự biến động về số lượng trường mầm non ngoài công lập ở Đà Nẵng là không đáng kể. Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Mầm non (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), với nhóm lớp độc lập tư thục, đã có sự thay đổi về chất sau đại dịch.

Cụ thể, Đà Nẵng có nhiều nhóm lớp độc lập tư thục quy mô khoảng 20 - 30 trẻ được mở mới sau chủ trương mở cửa trường học trở lại. “Các nhóm lớp độc lập tư thục mới mở sau dịch Covid-19 hầu hết đều được đầu tư cơ sở vật chất bài bản, hướng tới dịch vụ chăm sóc ở phân khúc chất lượng cao. Nhiều chủ nhóm lớp xác định đầu tư bền vững và xây dựng thương hiệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Qua kiểm tra thực tế, gần như chủ nhóm lớp đã có sự rà soát các yêu cầu của thông tư mới”.

Theo bà Tú, đây là xu hướng phát triển tất yếu bởi sau dịch Covid, với chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non cộng với khó khăn trong việc làm, nhiều phụ huynh chuyển con sang học ở các trường công lập. Nếu các trường ngoài công lập không cải thiện chất lượng chăm sóc và giáo dục sẽ rất khó để thu hút trẻ. “Sau khoảng 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập bắt đầu ổn định trở lại do các nhóm lớp độc lập, trường tư thục đã hoạt động bình thường như trước đây”, bà Tú cho biết.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, thành phố có 1.300 trường mầm non công lập và ngoài công lập, gần 1.600 nhóm lớp. Sau đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non nhanh chóng hoạt động trở lại đảm bảo điều kiện để chăm sóc trẻ tốt nhất. Mặc dù trước đó có hơn 150 cơ sở phải giải thể, tuy nhiên năm học 2022 - 2023, TPHCM luôn đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ.

Chia sẻ thông tin, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) đồng thời cho hay: Khi hoạt động lại, các cơ sở chú trọng cải tạo thêm về cơ sở vật chất; đồng thời nỗ lực hoàn thiện những quy định trong Thông tư 49 của Bộ GD&ĐT về việc “Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình công lập và tư thục”. Với nhóm lớp độc lập cũng có lộ trình phát triển khác nhau. Trong đó, chú trọng đến việc tạo điều kiện cho giáo viên đi học để nâng cao trình độ theo Luật Giáo dục 2019. Phòng Giáo dục mầm non cũng tăng cường giám sát, hỗ trợ thường xuyên các nhóm lớp để điều chỉnh, hướng dẫn làm đúng quy định.

Tại TPHCM cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp và trở thành giáo viên mầm non được biên chế cũng “rộng cửa”. TPHCM hiện có cơ chế tuyển dụng giáo viên biên chế không cần có hộ khẩu thành phố. Với các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thành phố cũng có nhiều ưu đãi đối với đội ngũ. Theo đó, ở năm đầu tuyển dụng, giáo viên được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai hỗ trợ 70%; năm thứ 3 sau tuyển dụng là 50%. Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ này kéo dài cho đến hết năm học 2024 - 2025. Những chính sách ưu đãi đã góp phần quan trọng để thành phố giữ chân và thu hút đội ngũ giáo viên mầm non bám nghề, nâng cao chất lượng chăm dạy ở bậc học này.

Vững bước vào năm học mới ảnh 2

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Bước tiến chuyển đổi số

Được coi là bước tiến mới về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, năm học 2022 - 2023 lần đầu tiên toàn bộ quy trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Đây là một trong những điểm sáng của giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) viện dẫn, tất cả phương thức xét tuyển được lọc ảo trên Hệ thống và thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng. Việc thanh toán lệ phí xét tuyển, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học đều được thí sinh thực hiện trực tuyến trên Hệ thống.

Trong hơn 620 nghìn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 này là hơn 567 nghìn; trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỷ lệ 91,4%. “Các năm trước Hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, lượng thí sinh ảo rất lớn do các em còn chọn phương thức khác mà Hệ thống không thể kiểm soát”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi.

Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, nguyện vọng, nộp phí xét tuyển đến xác nhận nhập học. Có thể khẳng định, kỳ tuyển sinh năm 2022 đã thành công tốt đẹp, với những đổi mới trong Quy chế tuyển sinh. Đáng nói, Hệ thống công nghệ đã mang lại kết quả như kỳ vọng là: Công bằng, hiệu quả và minh bạch. Trên hết, thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất. Các em được đảm bảo quyền chọn ngành học, trường học theo nguyện vọng mong muốn; có cơ hội trúng tuyển lớn nhất. Đặc biệt, không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều cơ sở đào tạo mà các em không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) bình đẳng, minh bạch; thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Đáng nói, tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn. Điều này đồng nghĩa các trường tuyển sinh sát với chỉ tiêu hơn.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD&ĐT đã có được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống. Từ đó, có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát ngày một tốt hơn. “Có thể nói, công tác tuyển sinh năm 2022 được đánh giá là đột phá về chuyển đổi số, tiên phong thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Từ kết quả tuyển sinh đại học năm 2022, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Năm nay, Bộ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong xét tuyển vào đại học. Theo đó, các khâu trong quá trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến. Cụ thể, từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, cung cấp những minh chứng, thông tin về đối tượng, khu vực ưu tiên cho đến đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp lệ phí, xác nhận nhập học… Tất cả đều được thực hiện trên Hệ thống.

“Đến thời điểm này, việc sử dụng phần mềm thuận tiện hơn rất nhiều cho thí sinh”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ thông tin, đồng thời viện dẫn: Năm nay, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo mã ngành, không phải đăng ký theo tổ hợp hay phương thức xét tuyển. Theo đó, thí sinh chỉ cần chọn ngành đào tạo mình yêu thích và sẽ được ưu tiên tối đa để trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển tốt nhất mà mình có. Hệ thống đang hỗ trợ thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần cho đến 17 giờ ngày 30/7.

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhìn nhận, không phủ nhận trách nhiệm, niềm say mê của thầy cô trong nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và công tác giảng dạy trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Cùng với đó là sự quan tâm của gia đình và cơ chế chính sách động viên khen thưởng học sinh, giáo viên của TP Hải Phòng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vung-buoc-vao-nam-hoc-moi-post647405.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vung-buoc-vao-nam-hoc-moi-post647405.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vững bước vào năm học mới