Sự đa dạng và phức tạp đó đòi hỏi cần có một bộ luật chung về nhà giáo để điều chỉnh toàn bộ quá trình quản lý xây dựng, phát triển, bảo vệ và sử dụng… cũng như quá trình hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ này trên phạm vi cả nước theo luật lệ thống nhất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
PGS.TS Nguyễn Trí. |
- Hiện, quy định về nhà giáo nằm ở nhiều văn bản. Có ý kiến cho rằng, quy định tản mạn thiếu đồng bộ như vậy không thuận lợi cho việc thực hiện, nhiều quy định có hiệu lực pháp lý không cao. PGS nghĩ sao về điều này?
- Tôi không những đồng tình, mà còn thấy nhận định trên chưa nêu đủ các hạn chế của thực trạng các quy định về nhà giáo bị tản mạn, thiếu đồng bộ do chưa có một luật chung. Vì thế, nhiều quy định về nhà giáo có hiệu lực pháp lý không cao. Một số cấp chính quyền và ngay cả cấp quản lý giáo dục chưa nghiêm túc thực hiện. Không những thế, nhiều khoảng trống pháp lý trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản lý đội ngũ nhà giáo cần khắc phục như đã nói ở trên. Các bộ luật giáo dục hiện nay cũng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về sự tự chủ trong chuyên môn của giáo viên, phương pháp quản lý chuyên môn, phát huy sự sáng tạo của giáo viên…
- Vậy PGS mong muốn những bất cập gì liên quan đến đội ngũ nhà giáo sẽ được giải quyết khi xây dựng Luật Nhà giáo?
- Trước tiên, tôi mong muốn đây là bộ luật cơ bản, nền tảng, đề cập đến tất cả vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Bộ luật được xây dựng theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “dĩ bất biến ứng vạn biến”, có thể dùng bộ luật này để xây dựng, phát triển, bảo vệ và quản lý đội ngũ nhà giáo từ nay về sau.
Từ lâu chúng ta đã nói tới ba yếu tố quan trọng: “Xây dựng, phát triển, quản lý” đội ngũ nhà giáo. Tôi muốn thêm vào yếu tố thứ tư: “Bảo vệ” đội ngũ này. Yếu tố này cần được quan niệm theo cả hai chiều. Một là chống lại tình trạng xâm phạm đến nghề nghiệp, phẩm chất, danh dự, sức khỏe… nhà giáo. Hai là nhà giáo cần tự tu dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phát triển và cập nhật kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục… để đủ khả năng hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của nhà giáo.
- PGS có góp ý gì khi xây dựng Luật Nhà giáo hay không?
- Phần trên tôi đã trình bày ý kiến cá nhân liên quan đến một vài vấn đề nội dung của luật. Ở đây tôi chỉ nêu một kiến nghị về phương pháp xây dựng luật. Tôi mong Luật Nhà giáo thì mọi nhà giáo phải được, phải có quyền góp ý vào từng điều khoản trong văn bản dự thảo luật. Để khi luật ban hành, mọi nhà giáo đều thấy ý kiến của mình được phản ánh trong đó.
- Xin cảm ơn PGS!