Năm học 2024 - 2025 rất đặc biệt bởi học sinh tiểu học, THCS và THPT đều học Chương trình GDPT 2018.
Học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT với 4 môn và thi theo dạng thức đề mới được Bộ GD&ĐT công bố chính thức. Đông đảo giáo viên, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh và học sinh quan tâm đến thay đổi này.
Thông qua các buổi tập huấn về sách giáo khoa, tôi nhận thấy đa số giáo viên ủng hộ dạng đề mới vì rất hay, tránh được học tủ, học vẹt, ôn tập theo lối mòn của cả giáo viên và học sinh. Ai cũng biết, Chương trình GDPT năm 2018 dạy theo định hướng phát triển năng lực.
Nhiều giáo viên đang tiếp cận ra đề mới và mày mò biên soạn đề theo mẫu của Bộ. Khi bắt tay vào biên soạn đề môn Toán theo dạng mới thì, tôi nhận thấy có hai ưu điểm sau:
Một là, đổi mới cách ra đề kiểm tra. Từ xưa đến nay, giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức. Học sinh ghi nhớ và tái hiện lại thông qua đề kiểm tra. Chương trình mới hướng đến rèn luyện phẩm chất và năng lực, là cơ sở chuẩn bị cho học sinh phát triển toàn diện.
Dạy, học theo chương trình mới trong bối cảnh bùng nổ thông tin đòi hỏi giáo viên dạy học sinh cách học, tìm tòi tra cứu kiến thức. Điều này đồng nghĩa với việc phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Muốn vậy, khâu ra đề và kiểm tra để đánh giá học sinh như một hoạt động dạy, học, diễn ra trong suốt quá trình học; từ đó, nâng cao hiệu quả học tập của học sinh.
Hai là, tạo nên một triết lý mới về kiểm tra học sinh. Với đề ra theo dạng mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã tạo nên một triết lý kiểm tra đánh giá thông qua bộ câu hỏi dưới dạng thức khác nhau mà học sinh không thể dựa vào may rủi để có điểm cao. Vì vậy, trò phải học thật và thi thật mới đạt được kết quả như mong muốn.
Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới và ra đề theo dạng thức mới của Bộ, nếu giáo viên tự biên soạn thì không bao quát dẫn đến chủ quan và theo lối mòn, khó đầy đủ nên cần huy động trí tuệ tập thể của nhiều giáo viên THPT trên toàn quốc.
Tháng 4/2024, Bộ GD&ĐT triển khai tập huấn xây dựng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi cho gần 2.500 giáo viên từ trường THPT, cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc bởi các chuyên gia trong nước có nhiều năm kinh nghiệm ra đề. Trong tháng 8 này, Bộ sẽ triển khai đánh giá, nhận xét đề thi do các đơn vị xây dựng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng xây dựng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi của giáo viên tại các địa phương cũng như phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng mở.
Ủng hộ xây dựng ngân hàng đề thi nhằm góp phần đánh giá chất lượng dạy và học của nền giáo dục nước nhà, tôi mong trong kho ngân hàng đề gồm có: Đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ từ lớp 1 đến lớp 12 của tất cả môn học.
Ngân hàng đề giúp giáo viên và học sinh nhiều điều bổ ích. Khi có ngân hàng đề, giáo viên trên toàn quốc có cơ hội để trao đổi kinh nghiệm và tiệm cận đến mặt bằng chung khi giảng dạy. Học sinh có nguồn đề nhằm ôn tập và tự bổ trợ thêm kiến thức. Nhiều trường dựa vào đó để biên soạn đề cho phù hợp và dần thu hẹp về trình độ giữa các vùng miền.
Ngân hàng đề là trí tuệ của tập thể, yếu tố quan trọng trong đổi mới kiểm tra đánh giá người học, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới giáo dục hiện nay. Hình thức biên soạn đề, theo tôi, Bộ cần đưa ra cấu trúc (kiểu chữ, cỡ chữ, canh lề trái, lề phải, lề trên và lề dưới), giáo viên tự soạn rồi đưa lên.
Bộ thành lập ban chuyên môn để thẩm định, những đề đạt yêu cầu mới được sử dụng nhằm đảm bảo kiến thức căn bản, phổ quát. Muốn ngân hàng đề được duy trì lâu dài, Bộ phải trả tiền cho những đề đạt yêu cầu, lúc đó, tôi tin giáo viên tham gia rất đông và là kênh liên lạc thường xuyên.
Với học sinh, do Bộ cung cấp dạng đề mới nên hiện tại các em chưa có nguồn đề để làm quen, phần đông chờ giáo viên dạy trên lớp cung cấp. Khi có ngân hàng đề là nguồn tài liệu phong phú giúp trò tiếp cận và làm quen trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Từ đó, học sinh trên toàn quốc tự đánh giá năng lực; chủ động bổ trợ thêm kiến thức.