Lấy học trò làm trung tâm
“Phương pháp dạy học luôn lấy trẻ làm trung tâm thì mọi hoạt động đều có ý nghĩa, qua đó giúp trẻ thể hiện kỹ năng của bản thân”. Đây là chia sẻ của cô Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lam Sơn (TP Thanh Hóa).
Theo cô Hòa, việc giáo dục kỹ năng cho trẻ luôn được nhà trường quan tâm, tích hợp trong các hoạt động học tập, vui chơi hàng ngày. Đơn giản như kỹ năng chào hỏi; tự cất giày, dép đúng chỗ; kỹ năng mời cơm…
“Tất cả kỹ năng trong cuộc sống đều được cô giáo tích hợp trong các hoạt động học tập, vui chơi. Từ kỹ năng học, cầm bút, giao tiếp trong các hoạt đông cho đến kỹ năng nấu ăn, bán hàng, tự chăm sóc sức khỏe…
Trong dịp hè, nhà trường chủ yếu tổ chức trông coi trẻ. Vì vậy, các hoạt động dạy học thông thường sẽ hạn chế thay vào đó là tập trung tăng cường giáo dục các kỹ năng trong cuộc sống cho các con”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lam Sơn cho hay.
Tại Trường Tiểu học Thiệu Đô (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), hoạt động giáo dục kỹ năng sống của học sinh cũng được nhà trường lồng ghép thông qua các môn học, hoạt động ngoại khóa.
Thầy Trịnh Quang Khanh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm học, BGH nhà trường cũng chỉ đạo Đoàn đội tổ chức các hoạt động ngoại khóa để hướng dẫn cho học sinh kỹ năng phòng chống đuối nước. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị hướng dẫn cho các em cách đi xe an toàn khi tham gia giao thông…”.
Theo thầy Khanh, ngoài lồng ghép trong các môn học phù hợp, Trường Tiểu học Thiệu Đô cũng thường xuyên kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức các buổi tham quan nông trại giáo dục, di tích lịch sử… để các em có những trải nghiệm thực tế.