Quản trị cảm xúc là một trong những chủ trương được áp dụng trong tất cả hoạt động của Trường Mầm non song ngữ Lạc Hồng (TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Cô Đặng Thị Tuyết – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đội ngũ giáo viên được tập huấn về giáo dục cảm xúc. Từ giáo viên, sẽ có những kết nối đến học sinh và hướng về phụ huynh.
Theo GS Hà Vĩnh Thọ, người sáng lập Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc, ứng dụng giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội trong trường học là giải pháp quan trọng. “Muốn đồng cảm với người khác thì phải kết nối được với bản thân, tự hiểu mình thì mới có khả năng quản lý cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong những tình huống khác nhau. Có nhận diện được cảm xúc mới có thể quản lý được cảm xúc mạnh”.
Đơn cử trong cách tiến hành một buổi họp phụ huynh, sẽ có một số hoạt động như tổ chức trò chơi để phụ huynh, trẻ và cô giáo cùng tương tác, từ đó có thể hiểu và kết nối với nhau tốt hơn. Nhờ quan sát và chơi cùng con, phụ huynh sẽ có cơ hội hiểu thêm những tính cách, sở thích của con khi con chơi cùng bạn. Phụ huynh sẽ hiểu thêm về phương pháp dạy học ở bậc mầm non: Học thông qua chơi. Vì vậy, việc giáo viên tạo hứng thú cho học sinh rất quan trọng.
Các giáo viên tham gia mô hình Trường học hạnh phúc tại thành phố Huế đều được tập huấn khả năng quản lý cảm xúc, học và thực hành cả cách chia sẻ và cách lắng nghe.
Cô Lê Thị Mai Lan, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Xây dựng Trường học hạnh phúc đã tác động đến tâm thế, đối xử có sự khác biệt. Ngay cả buổi sinh hoạt dưới cờ, khi trao đổi những ưu điểm và hạn chế trong tuần, bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc tôn trọng cảm xúc của học sinh. Giờ sinh hoạt lớp luôn có khoảng 10 phút để giáo dục lòng biết ơn thông qua những câu chuyện, tình huống để học sinh thảo luận, nhận xét”.
Tương tự, Trường Mầm non Bamboo Preschool (Đồng Nai) đã trang bị cho giáo viên nhiều kỹ năng để điều hướng cảm xúc. Cô Huỳnh Thiện Thanh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường kể rằng, trong mỗi buổi tập huấn, đều có trường hợp cụ thể để “đo lường” cảm xúc của giáo viên: “Khi tức giận thì chúng ta thường xử lý cách nào? Nhưng xử lý thế nào mới đưa lại kết quả tốt nhất”. Từ đây, cô Thảo rút ra nhận xét, điều quan trọng nhất chính là không tạo áp lực cho học sinh. Trẻ cần được tôn trọng mọi cảm xúc của mình. Trước khi bạn chạm đến trí óc thì hãy chạm đến trái tim trước.