'Xóa sổ' lớp ghép được không?

Đức Hạnh | 13/09/2022, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù nỗ lực trong “dồn điền đổi thửa”, song ở nhiều địa phương vẫn tồn tại mô hình lớp ghép. 

Giải pháp cho lớp ghép

Thầy Dương Văn Đông cho biết, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục các lớp ghép ở điểm trường trong điều kiện khó khăn hiện nay là nỗ lực tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như ở điểm trường chính. Cùng đó, khi phân công giáo viên phụ trách lớp ghép, ban giám hiệu chọn lựa giáo viên “cứng” về chuyên môn, kinh nghiệm; yêu cầu tham gia bồi dưỡng thường xuyên, động viên kịp thời để thầy cô đảm trách tốt nhất 2 chương trình giảng dạy tại lớp ghép. Tăng cường kiểm tra dạy và học ở điểm trường, lớp ghép nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên ngay trong quá trình giảng dạy…

Trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất tại trường chính không đáp ứng được yêu cầu (thiếu kinh phí và quỹ đất mở thêm lớp học, phòng bán trú) để dồn học sinh lớp 3 các điểm lẻ; hoặc dồn học sinh các điểm lẻ lại với nhau (khoảng cách xa trên 4km phải thực hiện bán trú)… thì giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cho lớp ghép được thầy Lê Quang Tùng chia sẻ: Tách học sinh lớp 1 thành lớp đơn tại các điểm trường, chỉ ghép trình độ lớp 2 - 3 để giáo viên thuận lợi về chuyên môn.

Ngoài ra, tận dụng thời gian giáo viên ở lại điểm lẻ để dạy tăng cường cho học sinh vào giờ nghỉ, thậm chí dạy cả thứ 7, Chủ nhật. Đặc biệt, tiến hành lọc học sinh trong lớp ghép, với trò tiếp thu chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu để phụ đạo riêng (miễn phí) các buổi tối khi giáo viên ở lại điểm trường...

Để bảo đảm chất lượng dạy học, và triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả, ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang), chia sẻ: Nhận thấy rõ những hạn chế từ lớp ghép nên quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn từ năm học 2022 - 2023.

Cũng theo ông Giáp, trước đây, dạy học theo nội dung, giáo viên có thể triển khai cho nhóm này làm bài rồi quay sang nhóm khác hướng dẫn. Nhưng hiện tại với Chương trình GDPT mới, dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, trong các lớp học phải tổ chức hoạt động học tập, nếu không gian lớp ghép hẹp, học sinh nhiều trình độ sẽ không thể triển khai, giáo viên bị hạn chế và không thể đổi mới phương pháp dạy học.

Mặt khác, với lớp ghép từ 1 - 3 trình độ, giáo viên khó phát huy chuyên môn sâu, chỉ tập trung dạy nội dung. Với lớp 3 năm nay, Tin học, Ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc càng không thể triển khai trong mô hình lớp ghép...

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái), cũng khẳng định chất lượng lớp ghép không thể đảm bảo như lớp đơn. Thời gian mỗi tiết học có hạn, giáo viên dù cố gắng cũng không đủ để tập trung cho tất cả học sinh. Cùng đó, dạy và học lớp ghép rất khó tập trung khi có hoạt động khác nhau trong cùng không gian. Chưa kể tại điểm lẻ, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học không đảm bảo càng khiến hiệu quả dạy học lớp ghép thêm hạn chế…

Do đó, theo quan điểm của bà Hằng nên bỏ lớp ghép, đầu tư cơ sở vật chất trường chính để dồn học sinh điểm lẻ về học tập… Từ năm học 2022 - 2023, Yên Bái đã bỏ hoàn toàn lớp ghép. Đây được xem như giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học và triển khai Chương trình GDPT mới.

Khẳng định chất lượng dạy học lớp ghép còn thấp so với lớp đơn, song thầy Dương Văn Đông cho biết vẫn phải duy trì bởi học sinh sinh sống rải rác, số lượng để tổ chức lớp học 1 trình độ không đủ theo định biên. Mặt khác, nếu tách lớp theo từng trình độ tại điểm lẻ cũng không đủ giáo viên đứng lớp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xoa-so-lop-ghep-duoc-khong-post607574.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xoa-so-lop-ghep-duoc-khong-post607574.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Xóa sổ' lớp ghép được không?