Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai thừa nhận rằng quân đội Mỹ gửi đạn chùm cho Ukraine bởi vì Mỹ không thể cung cấp đủ số đạn pháo mà Ukraine cần. Rò rỉ tình báo của Lầu Năm Góc vào thời điểm trước đó trong năm 2023 chỉ ra rằng Mỹ đã gây sức ép để Hàn Quốc gửi thêm 330.000 quả đạn pháo 155mm cho Ukraine, có thể là qua ngả Ba Lan. Có các tin tức nói rằng Hàn Quốc cho Mỹ vay nửa triệu quả đạn pháo 155mm. Nhưng ngay cả khi Hàn Quốc gửi hẳn 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine thì điều này vẫn khó bù đắp được cho sự mất cân bằng lớn về pháo binh.
Sự thiếu cân bằng nói trên là một trong các triệu chứng của vấn đề lớn hơn: Phương Tây không thể chuyển sang nền kinh tế thời chiến.
Một bản báo cáo gần đây của Viện Royal United Services (RUSI, có trụ sở ở Anh) ước tính rằng Nga bắn 12 triệu đạn pháo trong năm 2022 và sẽ bắn 7 triệu quả đạn pháo trong năm 2023 này.
Kho đạn thời Xô viết của Nga đang cạn đi nhưng hiện nay Nga có khả năng sản xuất 2,5 triệu quả đạn pháo mỗi năm, bên cạnh đạn pháo nhập từ một số nước châu Á.
Trái lại, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở tại Mỹ) ước tính vào tháng 2/2023 rằng Mỹ có thể chỉ sản xuất được 93.000 quả đạn pháo 155mm mỗi năm - tất cả số này dùng cho cho huấn luyện. Nếu quân đội Mỹ đẩy nhanh được hoạt động sản xuất đạn, họ sẽ tạo ra được 240.000 quả đạn mỗi năm nhưng con số này vẫn kém mức sản xuất hiện hành của Nga. Thậm chí nếu Lầu Năm Góc đạt được mục tiêu đã tuyên bố là sản xuất 90.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào năm tài khóa 2025, thì vẫn chỉ bằng một nửa mức độ sản xuất hiện nay của Nga.
Các thành viên khác của NATO còn gặp trạng thái tệ hại hơn. Hồi tháng 6, quân đội Đức phát hiện ra rằng chỉ còn 200.000 quả đạn pháo 155m trong toàn bộ kho vũ khí của họ. Nước Anh thì không thể sản xuất nổi nòng súng cỡ lớn cho xe tăng và pháo binh. Lượng lớn vũ khí khí tài mà NATO gửi cho Ukraine được bảo dưỡng kém. Trong khi đó, ít nhất 20% thiết bị mặt trận mà phương Tây tích góp cho cuộc phản công của Ukraine đã bị phá hủy trong riêng tuần đầu tiên.
Đây là chưa kể những vấn đề lớn khó tránh khỏi khi xây dựng một đội quân từ các kho dự trữ của thế giới. Xe thiết giáp bị hư hỏng ở tiền tuyến không dễ sửa chữa do thiếu một loạt vật liệu, sự bảo dưỡng và huấn luyện cần thiết để duy trì từng loại thiết bị. Ukraine hiện đang sử dụng tới 14 loại lựu pháo 155mm khác nhau, khiến cho việc này thêm khó khăn.
Ukraine thiếu nghiêm trọng vũ khí và nhân lực. Đỉnh cao viện trợ cho Ukraine đã qua và khó trở lại trong những tháng năm tiếp theo. Nga đang giành lợi thế trên chiến trường nên việc đàm phán theo hướng có lợi cho Ukraine sẽ khó xảy ra.
Hiện nay còn ít bằng chứng cho thấy phương Tây có thể dùng chiêu thức gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Nga Putin đến tạo ra sự sụp đổ bên trong chế độ.
Nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay, vị thế của Ukraine sẽ có khả năng xấu đi tiếp. Sự thiếu cân bằng về mặt cấu trúc bên phía Ukraine sẽ không cải thiện chỉ nhờ vào vài chuyến vận chuyển vũ khí khí tài từ phương Tây sang. Nếu muốn so Ukraine với Nga thì liên minh phương Tây phải tái công nghiệp hóa chuỗi cung ứng quân sự trên quy mô lớn. Hiện nay không chắc liệu phương Tây có khả năng đó hay không.
Trong khi đó, phía Nga có thể sẽ có một đợt gọi nhập ngũ mới, càng làm tăng lợi thế của Nga trên chiến trường. Một bài viết của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho chiến sự dài hơi.
Thực tế hậu cần khó thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine. Cũng không có dấu hiệu phương Tây sẽ quyết tâm huy động lực lượng tới mức độ như Nga làm. Thời gian đang có lợi cho Nga hơn.