Giáo dục

Ý kiến xoay quanh đề xuất 'giảng viên đại học được thành lập, điều hành DN'

22/05/2025 12:45

Đề xuất cho phép giảng viên đại học thành lập, điều hành doanh nghiệp được đánh giá là hướng đi tiềm năng nhưng cần được tính toán cẩn trọng.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sáng 20/5, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu đề xuất này được thông qua sẽ góp phần tăng doanh thu từ chuyển giao khoa học công nghệ từ nhà trường đến các doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao năng lực tự chủ tài chính.

Doanh thu từ chuyển giao công nghệ ở nhiều trường còn thấp

Thực tế, hiện nay nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu đến từ học phí và các nguồn khác; trong đó doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn còn khá khiêm tốn.

Đơn cử, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tổng thu năm 2023 là 1.157 tỷ đồng, trong đó, thu từ học phí chiếm 997,4 tỷ đồng, thu từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và tài trợ chỉ 53,22 tỷ đồng.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) có doanh thu năm 2023 là 1.003 tỷ đồng, trong đó thu từ học phí 672 tỷ đồng, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ 44,4 tỷ đồng.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng có doanh thu năm 2023 là 1.260 tỷ đồng, trong đó 1.235 tỷ đồng thu từ học phí. Doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ 11 tỷ đồng.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, doanh thu năm 2023 đạt 1.475 tỷ đồng, trong đó thu từ học phí chiếm 99% là 1.454 tỷ đồng. Doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 11,77 tỷ đồng.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có doanh thu năm 2023 là 1.011,5 tỷ đồng, trong đó thu từ học phí 907,9 tỷ đồng, thu từ khoa học công nghệ chỉ 4,37 tỷ đồng.

Cao nhất nhì ở khu vực phía Nam là ĐH Kinh tế TPHCM, doanh thu nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ năm 2023-2024 đạt 526,6 tỷ. Số tiền này chiếm khoảng 30% doanh thu của trường.

Cụ thể, năm 2023-2024, ĐH Kinh tế TPHCM có doanh thu 1.721,4 tỷ đồng. Trong đó thu từ ngân sách là 7,3 tỷ đồng; từ học phí là 1.068,8 tỷ đồng, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 526,6 tỷ đồng; từ nguồn hợp pháp khác là 118,7 tỷ đồng.

img-0020.jpg
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) trong giờ thực hành nghiên cứu. (Ảnh: Xuân Dung)

Ở một số trường khu vực phía Bắc, doanh thu từ chuyển giao công nghệ cũng khá thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn thu.

Chẳng hạn, ĐH Kinh tế Quốc dân có doanh thu năm 2023 đạt trên 1.400 tỷ đồng, trong đó hơn 1.014 tỷ đồng đến từ học phí. Thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 42,95 tỷ đồng.

Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội có doanh thu năm 2023 là 2.137 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ học phí với 1.430 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ 18 tỷ đồng.

Hướng đi tiềm năng nhưng cần thận trọng, bài bản

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT) nhận định, việc cho phép giảng viên thành lập doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế.

Cụ thể, doanh nghiệp do giảng viên thành lập có thể thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp tư nhân hoặc các tổ chức quốc tế,… Từ đó không chỉ giúp tăng nguồn lực tài chính cho nghiên cứu mà còn mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ mới.

“Việc cho phép giảng viên thành lập doanh nghiệp sẽ giúp làm tăng thu nhập cho người nghiên cứu và hơn hết là tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học của chính các giảng viên. Đây cũng là động lực phấn đấu để giảng viên có thêm thu nhập và cả tài sản trí tuệ”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, nhìn sâu xa hơn thì đề xuất này sẽ có ích cho xã hội. Và khi đã có ích cho xã hội thì cũng giúp gia tăng lợi thế cho nhà trường.

“Khi các trường ĐH có những giảng viên làm doanh nhân, vừa tham gia làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới thì chắc chắn sẽ là yếu tố thu hút người học”, ông Sơn dẫn giải.

Dù vậy, chuyên gia này cũng lo lắng đến việc không phải giảng viên nào cũng có kỹ năng quản lý doanh nghiệp. Do đó, cần có các chương trình đào tạo, hỗ trợ về khởi nghiệp và quản trị kinh doanh để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

“Các trường đại học cần xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp hoặc mô hình sandbox để hỗ trợ giảng viên trong giai đoạn đầu thành lập doanh nghiệp”, ông Sơn lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU), cho hay, dưới góc độ một nhà quản lý, đề xuất cho phép giảng viên đại học được thành lập và điều hành doanh nghiệp là một hướng đi phù hợp, góp phần gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các trường đại học, đặc biệt trong bối cảnh các trường đang tiến tới tự chủ tài chính và đổi mới mô hình quản trị.

“Trên thực tế, mô hình này đã phát huy hiệu quả ở nhiều trường ĐH trên cả nước. Tại Trường ĐH Lạc Hồng, mỗi năm giảng viên thực hiện hàng chục dự án chuyển giao công nghệ, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm; chưa kể nhiều thầy cô có doanh nghiệp riêng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực tập, thực tế và việc làm sau tốt nghiệp”, ông Quỳnh dẫn chứng.

Theo ông Quỳnh, việc giảng viên điều hành doanh nghiệp cũng thúc đẩy họ tập trung vào các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, từ đó nâng cao giá trị chuyển giao của các đề tài.

Ngoài ra, doanh nghiệp do giảng viên sáng lập có thể trở thành cầu nối giữa nhà trường và thị trường, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

“Tuy nhiên, để mô hình này thực sự hiệu quả, cần tháo gỡ các rào cản pháp lý và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa trường và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ giảng viên nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng và kỹ năng vận hành doanh nghiệp. Đây là bước đi có tiềm năng lớn nhưng cần triển khai thận trọng, bài bản”, ông Quỳnh nói thêm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/y-kien-xoay-quanh-de-xuat-giang-vien-dai-hoc-duoc-thanh-lap-dieu-hanh-dn-post732258.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/y-kien-xoay-quanh-de-xuat-giang-vien-dai-hoc-duoc-thanh-lap-dieu-hanh-dn-post732258.html
Bài liên quan
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam
Ngày 25/12, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo đối thoại chính sách với chủ đề "Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp".

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý kiến xoay quanh đề xuất 'giảng viên đại học được thành lập, điều hành DN'