Yên Bái chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, kiến thức cho học sinh, và bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải với đa phần là học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS), số học sinh bán trú hàng năm trên dưới 900 em.
Khắc phục mọi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhà trường đã nỗ lực vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tham gia học tập đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 99,8%.
Chất lượng học sinh đại trà 2 cấp học đều đạt và vượt so với cam kết đầu năm. Tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh hoàn thành xuất sắc tăng so với năm học trước. Trong năm học 2023 - 2024, cấp tiểu học có 14 học sinh đạt giải trong đợt giao lưu học sinh có năng khiếu môn Toán, tiếng Việt và viết chữ đẹp cấp huyện; 8 học sinh đạt giải Trạng nguyên trên Internet cấp huyện; 4 học sinh đạt giải Trạng nguyên trên Internet cấp tỉnh. Cấp THCS có 4 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện.
Thầy Phạm Minh Dũng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao nhằm thu hút học sinh đến trường; tích cực tham gia các cuộc thi do ngành và các cấp phát động.
Trong năm học, trường có 1 giải Nhất cấp quốc gia trong Cuộc thi Em an toàn hơn cùng Google năm 2023 do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý và Trung tâm CFC Việt Nam tổ chức; đạt giải Nhất Hội thi Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc do Tỉnh đoàn tổ chức. Cùng với nhiệm vụ bồi dưỡng chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường làm tốt công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, tai nạn, thương tích trong trường học…”.
Trong những năm qua, Yên Bái đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Hệ thống trường học được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với đặc thù của vùng miền núi, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, kiến thức cho học sinh, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Toàn tỉnh có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú với 78 lớp, 2.898 học sinh; 45 trường PTDTBT, 22 trường có học sinh bán trú cấp TH&THCS, 23 trường có học sinh bán trú cấp THPT. Việc thực hiện chính sách giáo dục dân tộc được đầy đủ kịp thời.
Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách giáo dục dân tộc; việc tổ chức bếp ăn tập thể; công tác quản lý học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú.
100% các trường tổ chức nấu ăn cho học sinh 3 bữa/ngày, đảm bảo dinh dưỡng; 100% các trường đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục đặc thù, trong đó tăng cường các biện pháp quản lý học sinh, rèn kỹ năng sống, kỹ năng lao động; học sinh bán trú biết tự chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động tăng gia, lao động, tự trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Trong thời gian qua, cùng với các chính sách của Nhà nước, tỉnh đã ban hành những chính sách riêng, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND, ngày 8/3/2023 của HĐND tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái từ năm học 2023 - 2024 đến hết năm học 2025 - 2026.
Theo đó, có 40 trường, 4.832 học sinh hưởng các chính sách hỗ trợ như: kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh bán trú với các trường có trên 150 học sinh bán trú, kinh phí quản lý học sinh bán trú, hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường PTDTBT học 2 buổi/ngày, kinh phí phục vụ việc nấu ăn trưa cho trường PTDTBT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày...
Để nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh DTTS, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình giáo dục đặc thù, như các chương trình tăng cường Tiếng Việt cho học sinh; các hoạt động kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc khác.
Các nhà trường triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng các mô hình trường học gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thành lập nhiều câu lạc bộ giữ gìn văn hoá dân tộc.
Những nỗ lực của tỉnh Yên Bái đã mang lại kết quả khả quan. Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình phổ thông tăng lên đáng kể, chất lượng giáo dục được nâng cao.
Nhiều học sinh DTTS đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh đại học, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn lao động.