Sở GD&ĐT Yên Bái yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai thực hiện các nội dung để đáp ứng yêu cầu đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, phổ biến kỹ lưỡng phương án tổ chức kỳ thi, cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh của nhà trường.
Tổ chức khảo sát nguyện vọng đăng ký các môn lựa chọn thi tốt nghiệp của học sinh; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của cá nhân và phương án xét tuyển của các trường Đại học năm 2025.
Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học các môn học, kế hoạch ôn thi tốt nghiệp năm học 2024-2025 phù hợp với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của đơn vị đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi, nguyện vọng của học sinh.
Sắp xếp các lớp ôn tập theo môn học lựa chọn, linh hoạt bố trí sỹ số học sinh theo từng lớp học; phân công giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm tham gia giảng dạy lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp; bố trí thời khóa biểu dạy học và ôn tập đảm bảo khoa học, hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với giáo viên và học sinh. Tổ chức giảng dạy theo hướng, dạy đến đâu ôn tập đến đó, vừa dạy kiến thức mới vừa chú trọng ôn tập, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trước ngày 30/9/2024 và tổ chức ôn tập từ tháng 10/2024.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học, ôn tập; tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình, cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Tổ chức kiểm tra định kỳ và khảo sát học sinh lớp 12 theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để giúp học sinh rèn kỹ năng làm bài. Ngoài các kỳ khảo sát, thi thử do Sở GD&ĐT tổ chức, khuyến khích các đơn vị chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức các kỳ thi thử tốt nghiệp THPT liên trường, cụm trường, trong đó chú trọng thực hiện tốt việc thẩm định nội dung đề thi, hướng dẫn chấm thi để tránh xảy ra những sai sót trong triển khai thực hiện.
Sau khảo sát, thi thử, tiến hành phân tích kết quả, điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập cho phù hợp; tổ chức phụ đạo, dạy bổ trợ kiến thức cho những học sinh kết quả còn thấp.
Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, theo cụm trường, qua đó trao đổi, chia sẻ về công tác tổ chức dạy học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của CTGDPT 2018 và kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để thống nhất các giải pháp thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả nhất.
Đối với các trường đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo cần tích cực, chủ động trao đổi với các trường có điều kiện tốt hơn đề nghị hỗ trợ giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp ngay từ đầu năm học với các hình thức phù hợp (trực tiếp, trực tiếp kết hợp trực tuyến, trực tuyến,…).
Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho tổ chuyên môn trong việc quản lý kế hoạch dạy học, ôn thi tốt nghiệp và kế hoạch bài dạy của giáo viên. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên rà soát đánh giá việc thực hiện kế hoạch giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, phân công giáo viên giảng dạy cho phù hợp đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ,chỉ tiêu giao.