Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Ảnh: INT |
Cùng với đó, khi xây dựng kế hoạch cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: Mục tiêu giáo dục; tính thống nhất trong các hoạt động môn học và giáo dục của nhà trường; tổng thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục cũng như tính khả thi của kế hoạch. Kế hoạch giáo dục nhà trường vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục, kế hoạch tổng thể trong năm học của nhà trường, nhưng đồng thời phải có tính “linh hoạt” và “mềm dẻo” trong điều kiện thực tiễn của đơn vị.
“Đội ngũ giáo viên là lực lượng trực tiếp tham gia vào các khâu của hoạt động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Nhận thức, năng lực của đội ngũ giáo viên về xây dựng kế hoạch giáo dục sẽ quyết định sự thành công và hiệu quả của quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học cũng như thực thi chương trình.
Do đó cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, huy động các nguồn lực và lực lượng giáo dục khác tham gia vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường” - bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng nhấn mạnh.
Giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Ngọc Hải cho biết: Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, GV về kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, coi việc xây dựng kế hoạch giáo dục là nhiệm vụ then chốt trong thực hiện chức năng quản lý, quản trị nhà trường.
Sở GD&ĐT cũng tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề về Chương trình GDPT 2018, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của GV, tổ chuyên môn, nhà trường; nhân rộng các đơn vị tiên tiến, tiêu biểu trong công tác xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường.
“Trong quá trình các đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch, ngoài phân công cán bộ quản lý cốt cán của tỉnh theo dõi, hỗ trợ, sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nhà trường vào cuối năm học, đơn vị chủ quản cần xem các mục tiêu, nội dung trong kế hoạch giáo dục nhà trường là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân có liên quan” - ông Phạm Ngọc Hải lưu ý.
“Hiện, 100% trường THCS, THPT tại Tây Ninh xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn, GV đúng thời điểm, có tính khả thi và được Bộ GD&ĐT đánh giá tốt thông qua các đợt kiểm tra. Kế hoạch giáo dục nhà trường đều được phê duyệt trước khi thực hiện theo cấp trực tiếp quản lý” - ông Phạm Ngọc Hải thông tin.