Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 định hướng hình thức kiểm tra “có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan và hình thức tự luận”, nghĩa là không bắt buộc phải có câu hỏi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, để bảo đảm độ phủ rộng của kiến thức, đồng thời hạn chế cảm tính của người chấm, cô Thúy cho biết nhà trường vẫn mạnh dạn xây dựng các đề kiểm tra có sự kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận.
Việc xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm còn khó khăn với đa số giáo viên Ngữ văn vì lâu nay môn học này chủ yếu được đánh giá bằng hình thức tự luận. Bù lại, khi có thêm câu trắc nghiệm, đề kiểm tra sẽ có tính phân hóa cao hơn, sâu hơn.
Việc sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong đánh giá định kì, theo cô Nguyễn Ngọc Thúy, không chỉ tạo ra độ phủ rộng về kiến thức mà còn làm thay đổi quan niệm của nhiều giáo viên Ngữ văn về ý nghĩa của loại câu hỏi này.
“Sẽ là sai lầm rất lớn nếu coi trắc nghiệm chỉ là lựa chọn dựa vào sự may mắn, vấn đề là kĩ thuật viết câu hỏi và các phương án lựa chọn.
Không ít người vẫn hoang mang cho rằng kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm sẽ làm mất “chất văn” của môn học mà quên rằng, đề kiểm tra định kì vẫn có những câu trả lời ngắn và có bài viết để học sinh được bộc lộ “chất văn”.
Nhưng điều thay đổi tạo nên biến động lớn hơn là việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra kĩ năng viết.” - cô Nguyễn Ngọc Thúy chia sẻ.