(GDTĐ) - Ngày Tết là thời điểm các gia đình cùng nhau sum họp và vui chơi. Tuy nhiên đây cũng là lúc trẻ dễ bị mắc các bệnh mà tiềm ẩn từ những hoạt động ngày Tết.
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng : Vì tay là nơi tiếp xúc nhiều với mầm bệnh nên rửa tay bằng xà phòng để sát khuẩn nhiều lần trong ngày là rất cần thiết, nhất là với những bé thường cho tay vào miệng
2. Giữ ấm đầu, cổ, chân khi ra ngoài : Tết năm nay miền Bắc được dự báo lạnh , mẹ lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng mũ, áo cao cổ, khăn quàng cổ và tất khi ra ngoài. Tuy nhiên, nếu ở trong nhà ấm, kín gió thì có thể cho trẻ mặc đồ thoáng mát vì trẻ dễ đồ mồ hôi hơn người lớn
3. Chế biến thực phẩm tươi sống, hạn chế đồ đông lạnh: Tết là thời điểm nhà nhà “tụ tập”, tổ chức liên hoan, do đó tình trạng thức ăn lưu cữu và trữ đông thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, trẻ cần được ăn đồ tươi sống và mới chế biến để tránh các vấn đề về tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc. Do đó, dù bận rộn đến mấy thì mẹ cũng cố gắng nấu bữa ăn mới cho con nhé. Ngoài ra mẹ cũng hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, thạch, nước ngọt để tránh đầy bụng, khó tiêu
4. Ngủ đủ giấc như ngày thường : Ngủ thiếu giấc sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ kém hơn khi ngủ đủ giấc, vì vậy ba mẹ nên tránh để tình trạng đi chơi về khuya khiến bé ngủ muộn hơn thường ngày. Điều này cũng giúp bé duy trì nề nếp sinh hoạt khoa học, không có sự xáo trộn
5. Đeo khẩu trang khi ra ngoài : Virus, vi khuẩn, khói bụi, khói thuốc lá… đều là tác nhân gây hại cho hệ hô hấp và tai mũi họng của trẻ. Giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bé trước những yếu tố này khi ra đường chính là đeo khẩu trang. Ba mẹ nên mua loại khẩu trang lọc bụi mịn và phù hợp với độ tuổi của trẻ
6. Dự phòng sẵn các loại thuốc và dụng cụ y tế cần thiết: Chuẩn bị sẵn các dụng cụ y tế như nhiệt kế, bông, băng, gạc, urgo, dụng cụ hút mũi, cốc đong ml… Các loại thuốc cần thiết là thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, men vi sinh, nước điện giải, nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%, dung dịch sát khuẩn Betadine (dành cho họng và cho vết thương)…