- Tốt nhất là nên giữ thói quen sinh hoạt (ngủ, thức dậy và ăn) đúng giờ hoặc chỉ muộn hơn một chút.
- Cách khác là đặt lịch nhắc uống thuốc trên điện thoại để không bị quên
- Để tất cả các thuốc cần thiết đủ dùng trong ít nhất 1 ngày vào một chiếc túi và luôn mang theo khi ra khỏi nhà.
- Người nhà người bệnh cũng cần lưu ý nhắc họ việc uống thuốc khi đến giờ
Lưu ý là không chỉ thuốc đái tháo đường, các thuốc điều trị tăng huyết áp hay mỡ máu, thuốc tim mạch... cũng rất quan trọng và người bệnh ĐTĐ bắt buộc phải được dùng đầy đủ và đúng giờ.
Đường huyết cao là thủ phạm trực tiếp và nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng ở người bệnh ĐTĐ. Mục tiêu đường huyết mọi người bệnh cần đạt trước các bữa ăn là từ 4,4 – 7,2 mmol/L và sau ăn là dưới 10,0 mmol/L. Tuy nhiên chỉ khi đường huyết rất cao (thường > 19,5 mmol/L) hoặc rất thấp (< 4,0 mmol/L) thì người bệnh mới có các triệu chứng như mệt, đái nhiều, khát nước, mà khi có các biểu hiện này thì thường bệnh đã nặng rồi. Vì vậy họ cần đo đường huyết mao mạch ít nhất 1-2 lần mỗi ngày, ưu tiên đo vào trước các bữa ăn cũng là trước khi uống thuốc hoặc tiêm insulin để biết đường huyết của mình có tốt không và có cần tăng hay giảm liều thuốc đái tháo đường không. Ngoài ra, bất cứ khi nào người bệnh đái tháo đường ăn nhiều hoặc thấy mệt, đói hay bị rối loạn tiêu hóa... thì cũng cần đo đường huyết ngay.
Hiện nay có các máy đo đường huyết liên tục (CGM) sẽ tự động cung cấp các kết quả đường huyết mỗi 1-5 phút nên rất hữu ích cho người bệnh trong việc điều chỉnh kịp thời chế độ ăn uống trong những ngày Tết nhưng giá thành còn khá đắt.
Mất ngủ hoặc ngủ muộn đã được chứng minh là yếu tố làm đường huyết cao và dao động. Tuy nhiên tình trạng thức rất khuya, ngủ rất muộn là khá phổ biến ở mọi người, trong đó có nhiều người bệnh đái tháo đường. Đáng ngại là người thức khuya thường có thêm các bữa ăn phụ làm tăng đường huyết và sáng hôm sau dậy muộn sẽ bỏ bữa ăn sáng và không uống thuốc.
Trừ đêm Giao thừa là ngoại lệ duy nhất thì người bệnh đái tháo đường nên đi ngủ đúng giờ, và sáng hôm sau cũng không nên ngủ muộn hơn ngày thường quá 1 giờ. Lưu ý là ngủ dậy sớm sẽ mang đến cơ hội được trải nghiệm ngày Tết vui vẻ, đầm ấm, thay vì 3 ngày Tết chỉ quanh quẩn trên giường, phòng bếp và phòng ăn.
Trong những ngày Tết, các bệnh viện đều luôn duy trì đội ngũ nhân viên y tế trực để đảm bảo việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân. Vì vậy, khi có những biểu hiện sau đây thì người bệnh ĐTĐ cần liên lạc ngay với Bác sỹ điều trị hoặc nhập viện điều trị sớm:
- Nôn liên tục trong vòng > 6 giờ, vì có nguy cơ cao bị mất nước
- Đường huyết cao > 15,0 mmol/L liên tục trong 24 giờ
- Có các triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm toan ceton như: nôn, đau bụng, thở nhanh và hơi thở có mùi hoa quả thối, rối loạn ý thức
- Bị ngộ độc thức ăn, sốt
- Mệt nhiều nhưng không biết nguyên nhân tại sao và cũng không biết phải làm gì
Người bệnh không nên có quan niệm kiêng kỵ đến bệnh viện trong ngày Tết, đừng để đến khi quá nặng, bị hôn mê do hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết quá cao mới đi vào cấp cứu. Khi đó không chỉ người bệnh mà cả gia đình họ cũng sẽ bị “mất Tết”.