– Khám họng và cổ: Sờ cổ mặt và khám họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
– Khám thần kinh: Tìm các tổn thương dây thần kinh sọ phối hợp khác.
– Chụp cộng hưởng từ sọ não để xác định tổn thương tại sọ não (khối u, chấn thương…).
– Ghi chẩn đoán điện: ghi dẫn truyền vận động dây thần kinh số 7.
– Các xét nghiệm khác: Công thức máu, Đường máu, Máu lắng, Sinh hóa…
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có nguy hiểm không?
Bệnh liệt dây thần kinh số 7 là bệnh không lây truyền, có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách, cũng có thể gây ra các di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời như:
– Các biến chứng mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính…
– Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
– Hội chứng nước mắt cá sấu: hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.
Ai có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên?
Những người có nguy cơ cao bị bệnh liệt dây thần kinh số 7 là: Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu, phụ nữ có thai, người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya, người hay uống rượu bia, người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp, người hay phải đi sớm về khuya…
Cách phòng tránh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, các bác sĩ khuyến cáo, việc làm quan trọng nhất là giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, không tắm quá khuya. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
Người lớn lưu ý tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
Ngoài ra, cần thực hiện:
Chăm sóc sức khỏe tổng thể: bảo vệ sức khỏe bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì một phong cách sống lành mạnh.
Điều trị các bệnh liên quan: liệt dây thần kinh số 7 có thể xuất hiện do một số bệnh như viêm tai giữa, viêm mũi họng, thủy đậu và zona, vì vậy điều trị các bệnh này kịp thời cũng là cách phòng ngừa tốt nhất.
Tránh các tác nhân kích thích: tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác.
Thực hiện tập luyện cơ mặt: thực hiện các bài tập cơ mặt đơn giản có thể giúp tăng cường cơ bắp, tăng khả năng kiểm soát cơ mặt và phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7.
Đeo kính bảo vệ mắt: đeo kính bảo vệ mắt khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích hoặc trong các công việc đòi hỏi sự tập trung cao.
Những biện pháp này không chỉ giúp phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể của cơ thể.
Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và điều trị. Không nên tự điều trị tại nhà hoặc điều trị theo kinh nghiệm.