Học đường

Áp lực 'con nhà người ta' ở Hàn Quốc

PV 12/04/2025 15:56

Người Hàn Quốc thường bị so sánh với đối thủ cạnh tranh tưởng tượng mang tên "eomchina", nghĩa là con nhà người ta.

Cụm từ "eomchina" trong tiếng Hàn chỉ người bạn đồng trang lứa lý tưởng, thường được các phụ huynh lấy làm chuẩn để so sánh con cái về học vấn, sự nghiệp, hôn nhân và thu nhập.

Kiểu so sánh này thường bắt nguồn trong nhóm bạn hoặc họ hàng, những mối quan hệ thân thiết khiến người bị so sánh nảy sinh cảm giác khó chịu. Điều này được thể hiện rõ qua câu thành ngữ quen thuộc "Khi anh họ mua đất, tôi thấy đau bụng" của người Hàn Quốc.

Kim, 30 tuổi, cho biết các buổi họp lớp thường xoay quanh việc cập nhật cuộc sống của mọi người, kể cả những người vắng mặt. Những năm trung học, họ quan tâm đến điểm số của người khác còn nhiều hơn của chính mình. Sau tốt nghiệp, họ vẫn so sánh nhau trong hôn nhân và sự nghiệp. "Điều này khó tránh khỏi, nhất là trong xã hội cạnh tranh gay gắt như Hàn Quốc", cô nói.

Xu hướng khao khát tài sản hoặc thành công giống như người quen, bạn bè xuất hiện ở nhiều nền văn hóa với mức độ khác nhau. Nhưng trong văn hóa châu Á, Hàn Quốc lại biểu hiện rõ rệt nhất.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Tâm lý học cá nhân và xã hội của giáo sư Lee Cheol-Sung, Đại học Sogang, nhận thấy người Trung Quốc và Hàn Quốc có xu hướng so sánh xã hội nhiều hơn. Hạnh phúc của họ thường gắn liền với địa vị xã hội.

Giáo sư tâm lý học Kim Kyung-il, Đại học Ajou, cho biết người Hàn dễ thấy sự khác biệt giữa họ vì hầu hết đều theo một lộ trình giống nhau về học vấn và công việc. "Sự tương đồng trong đời sống khiến người Hàn dễ so sánh bản thân với người khác", ông nói.

Đồng thời, Hàn Quốc vốn có xã hội, dân tộc và văn hóa đồng nhất, nên ít coi trọng sự đa dạng trong cách sống. Họ quan niệm chỉ một con đường được xem là thành công, tạo áp lực khiến cá nhân phải đi theo lối mòn.

Bae, 30 tuổi, cho rằng văn hóa cộng đồng ở Hàn Quốc thiếu sự tôn trọng với khác biệt cá nhân. "Nếu xã hội biết trân trọng sự khác biệt, sẽ ít áp đặt các tiêu chuẩn giống nhau để đánh giá thành công", anh nói.

Nhiều người Hàn gặp áp lực vì các tiêu chuẩn thành công được đặt ra quá cao. Xu hướng này là một trong những nguyên nhân khiến người Hàn có mức độ hạnh phúc thấp, theo nghiên cứu của Viện Tương lai thuộc Quốc hội Hàn Quốc.

Giáo sư Lim Myung-ho ở khoa Tâm lý học, Đại học Dankook, cho biết định nghĩa thành công quá hẹp khiến những ai không đạt chuẩn dễ bị gạt ra bên lề. Họ cảm thấy lạc hướng, ghen tị và dễ gặp vấn đề tâm lý.

Ở Hàn Quốc, con đường thành công do thế hệ lớn tuổi xây dựng thường xoay quanh việc vào đại học danh tiếng ở Seoul và làm việc cho một tập đoàn lớn nào đó.

Khảo sát của công ty tư vấn đầu tư NH Investment Securities cho thấy 45,6% tầng lớp trung lưu tự nhận mình thuộc tầng lớp thấp hơn vì hiểu sai về mức sống trung bình. Chuẩn trung lưu trong nhận thức của họ gần bằng nhóm 10% giàu nhất.

Theo giáo sư Lim, tiêu chuẩn ảo này khiến nhiều người nghĩ mình đang tụt lại và luôn cảm thấy thiếu thốn.

Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng cảm giác thua kém người khác, kết hợp với lo âu về tương lai và sự cô lập xã hội, là yếu tố góp phần dẫn đến vấn nạn tự tử trong xã hội. Theo các báo cáo, Hàn Quốc đứng đầu khối các quốc gia OECD (các nền kinh tế phát triển) về tỷ lệ tự tử với 15 phụ nữ và 32,5 nam giới trong mỗi 100.000 dân.

Giáo sư Lim cảnh báo rằng mạng xã hội nguy hiểm vì con người dễ tin vào những gì họ thấy. Việc thường xuyên nhìn thấy thành công của người khác khiến nhiều người cảm thấy mình không đủ tốt.

Ông nhấn mạnh mỗi người không nên đánh giá bản thân dựa trên tiêu chuẩn chung mà nên tập trung vào mục tiêu riêng và tin rằng có nhiều con đường dẫn đến thành công.

"Chúng ta chỉ nên so sánh với chính mình trong quá khứ", Lim nói.

Theo https://vnexpress.net/ap-luc-con-nha-nguoi-ta-o-han-quoc-4871278
https://vnexpress.net/ap-luc-con-nha-nguoi-ta-o-han-quoc-4871278.html
Copy Link
https://vnexpress.net/ap-luc-con-nha-nguoi-ta-o-han-quoc-4871278.html
Bài liên quan
Hà Nội tăng tỷ lệ học sinh vào trường công, giảm áp lực tuyển sinh lớp 10
Việc tăng tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội sẽ góp phần hạ nhiệt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tạo thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực 'con nhà người ta' ở Hàn Quốc